Tình trạng táo bón khi mang thai khiến nhiều mẹ bầu cảm thấy khó chịu, lo lắng, thậm chí sợ hãi mỗi khi đi vệ sinh. Vậy bà bầu táo bón nên ăn gì để cải thiện? Hãy cùng theo dõi bài viết này để có câu trả lời nhé!
Mục lục
Vì sao bà bầu dễ bị táo bón
Táo bón là tình trạng thường gặp ở nhiều mẹ bầu. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này có thể bao gồm:
- Hormone Progesterone làm các cơ trong thành ruột giãn nở và trở nên lỏng lẻo hơn, cản trở quá trình tiêu hóa.
- Tử cung mở rộng do sự phát triển của thai nhi, gây áp lực lên ruột và thu hẹp không gian trong bụng, tác động lên các cơ quan tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến quá trình vận động của ruột.
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng, ăn ít chất xơ hoặc ăn quá nhiều các thực phẩm như thịt đỏ, trứng, sữa…
- Chế độ sinh hoạt thay đổi, lượng nước tuần hoàn trong cơ thể giảm, làm chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng.
- Khả năng hoạt động của ruột non yếu đi, làm gián đoạn quá trình vận chuyển thức ăn trong đường tiêu hóa.
- Bổ sung sắt sai cách hoặc sử dụng các chế phẩm sắt không phù hợp… ☛ Xem thêm: Hướng dẫn chọn thuốc sắt cho bà bầu
Việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ không chỉ giúp tăng cường sức khỏe cho mẹ, đảm bảo sự phát triển cho bé yêu mà còn giúp cải thiện, ngăn ngừa tình trạng táo bón.
☛ Đọc thêm: Bà bầu uống sắt bị táo bón do đâu
Bà bầu táo bón nên ăn gì?
Một số thực phẩm có thể giúp mẹ bầu khắc phục tình trạng táo bón khi mang thai bao gồm:
Rau xanh và trái cây tươi
Rau xanh và các loại trái cây tươi là những thực phẩm hàng đầu giúp bổ sung chất xơ cho mẹ bầu, góp phần tăng cường chức năng tiêu hóa và hạn chế nguy cơ táo bón.
Ngoài ra, các loại rau như cải bó xôi, bông cải xanh, cải xoăn… và các loại trái cây như bưởi, cam, táo, lê… còn rất giàu vitamin và khoáng chất, giúp mẹ cải thiện sức khỏe tổng thể, đồng thời hỗ trợ nuôi dưỡng thai nhi phát triển toàn diện hơn.
☛ Đọc thêm: 10 loại trái cây giàu sắt cho bà bầu
Các loại đậu
Các loại đậu như đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu ngự… là nguồn thực phẩm giàu chất xơ và rất tốt cho mẹ bầu.
Trong 180g đậu có đến 10g chất xơ với tỷ lệ chất xơ hòa tan cao, có thể giúp mẹ cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, khắc phục tình trạng táo bón.
Sữa chua
Sữa chua có chứa một lượng dồi dào các lợi khuẩn probiotic. Việc thường xuyên thêm sữa chua vào chế độ ăn hàng ngày sẽ giúp mẹ cải thiện hệ vi sinh đường ruột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, qua đó giảm tình trạng táo bón.
Ngoài việc ăn sữa chua thông thường, mẹ có thể kết hợp chúng với các loại trái cây như dâu tây, chanh leo, kiwi… để kích thích vị giác, tăng cảm giác ngon miệng, đồng thời bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất thiết yếu.
Lưu ý: Nếu có vấn đề về đường huyết khi mang thai, mẹ nên ưu tiên các loại sữa chua không đường.
Bổ sung thêm nước
Trong thai kỳ, cơ thể mẹ cần nhiều nước hơn bình thường để hỗ trợ quá trình nuôi dưỡng thai nhi, đảm bảo sự phát triển của bé. Theo khuyến nghị, mẹ bầu nên uống đủ 8 ly nước mỗi ngày, tương đương khoảng 2 – 2.5 lít nước.
Việc uống đủ nước không chỉ giúp các cơ quan trong cơ thể duy trì hoạt động tốt hơn, tăng cường trao đổi chất mà còn hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa, đồng thời giúp làm mềm phân, giảm nguy cơ táo bón.
Bà bầu táo bón không nên ăn gì?
Để khắc phục tình trạng táo bón hiệu quả, mẹ cũng nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm như:
Thịt đỏ
Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt dê, thịt cừu… thường chứa nhiều chất béo bão hòa. Khi mẹ ăn thịt đỏ, cơ thể sẽ cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa, làm tăng nguy cơ táo bón. Lượng protein dồi dào trong thịt bò cũng khiến mẹ bị đầy bụng, khó tiêu nếu ăn quá nhiều.
Ngoài ra, việc tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ cũng khiến mẹ đối diện với nguy cơ tăng cholesterol trong máu và các vấn đề thừa cân, béo phì, cao huyết áp…
Dù vậy, điều này không có nghĩa là mẹ phải kiêng hoàn toàn các loại thịt đỏ, hãy tiêu thụ chúng một cách có kiểm soát, kết hợp với các thực phẩm khác để có một chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học.
Món ăn cay nóng
Các món ăn cay nóng thường sử dụng các loại gia vị như tiêu, ớt, gừng, mù tạt… có thể khiến tình trạng táo bón của mẹ bầu trở nên trầm trọng hơn.
Cụ thể, khi ăn các thực phẩm cay nóng, cơ thể có thể bị mất nước và làm đại tràng phải hấp thu nước nhiều hơn, khiến phân khô hơn và kèm theo tình trạng khó đào thải.
Thường xuyên ăn các món cay nóng cũng có thể khiến tác động tiêu cực hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày. Ngoài ra, chúng cũng có thể là thủ phạm gây nổi mụn trên da.
Đồ ăn nhiều dầu mỡ
Các món ăn chứa nhiều dầu mỡ như đồ chiên rán, nội tạng động vật… thường chứa một lượng lớn chất béo và việc tiêu thụ nhiều các thực phẩm này có thể khiến tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo đó, khi ăn những món nhiều dầu mỡ, hệ tiêu hóa cần hoạt động nhiều hơn để xử lý chúng, đồng thời làm tăng nguy cơ đầy bụng, khó tiêu, khiến việc đào thải các chất cặn bã trở nên khó khăn hơn.
Mặt khác, việc thường xuyên tiêu thụ đồ ăn nhiều dầu mỡ cũng không tốt cho sức khỏe của mẹ bầu, làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, huyết áp, tim mạch…
Các thực phẩm khác
Ngoài các thực phẩm kể trên, mẹ bầu bị táo bón cũng nên giảm tiêu thụ một số thực phẩm khác như:
- Trà đặc và cà phê: tanin và cafein có thể kích thích hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến quá trình co bóp của ruột, đồng thời chúng cũng có thể phản ứng với một số chất trong thức ăn, dẫn đến đầy bụng, khó tiêu.
- Socola: Socola có chứa nhiều chất béo, có thể cản trở hoạt động của hệ tiêu hóa và làm tình trạng táo bón thêm tồi tệ.
- Sữa nguyên kem và phô mai: Lượng chất béo dồi dào trong các thực phẩm này có thể khiến mẹ bị đầy bụng, khó tiêu.
- Đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn: Các thực phẩm này thường ít chất xơ, đồng thời chứa nhiều muối, đường… khiến hệ tiêu hóa phải làm việc “vất vả” hơn và tăng nguy cơ táo bón.
☛ Tham khảo: Bà bầu ăn gì để con tăng cân?
Lời kết:
Táo bón khi mang thai là tình trạng diễn ra khá phổ biến. Mẹ bầu có thể cải thiện bằng cách tăng cường bổ sung chất xơ, uống nhiều nước, đồng thời bổ sung dinh dưỡng khoa học. Ngoài ra, mẹ cũng nên kết hợp vận động thể chất, tập luyện nhẹ nhàng để cải thiện sức khỏe và giúp hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh hơn.
Hãy thường xuyên theo dõi Fogyma.vn để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích về việc chăm sóc sức khỏe thai kỳ nhé!