Dư sắt là tình trạng sức khỏe nhiều người gặp phải với nguy cơ tiềm ẩn các biến chứng nguy hiểm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vậy dư sắt trong máu có những triệu chứng gì? Cách điều trị ra sao?
Mục lục
Dư sắt trong máu là gì?
Dư sắt trong máu hay thừa sắt, quá tải sắt là tình trạng lượng sắt trong cơ thể vượt quá mức cần thiết. Điều này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Lạm dụng thuốc bổ sung sắt: Sử dụng quá liều thuốc sắt không theo chỉ định, tự ý tăng liều dùng hoặc kết hợp nhiều sản phẩm bổ sung sắt cùng lúc sẽ dẫn đến thừa sắt, thậm chí ngộ độc sắt.
- Truyền máu nhiều lần: Trường hợp phải truyền máu thường xuyên do nguyên nhân bệnh lý như thiếu máu hoặc các rối loạn về máu cũng tiềm ẩn nguy cơ thừa sắt.
- Bệnh lý: Bệnh rối loạn di truyền hấp thu sắt (hemochromatosis) khiến cơ thể không có không có khả năng điều hòa lượng sắt hấp thụ qua đường ruột, dẫn đến quá tải sắt. Ngoài ra, các bệnh lý về gan, bệnh thiếu máu hồng cầu… cũng có thể làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu sắt của cơ thể, làm tăng nguy cơ thừa sắt.
Tình trạng dư sắt trong máu kéo dài sẽ khiến lượng sắt dư thừa tích tụ tại nhiều cơ quan như gan, tim, tụy… gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Đồng thời làm tăng nguy cơ đối diện với các biến chứng như tiểu đường, suy tim, xơ gan, ung thư gan… đe dọa an toàn, tính mạng của người bệnh.
☛ Xem thêm: Mẹ bầu dư sắt có sao không?
Dư sắt trong máu có những triệu chứng gì?
Khi bị dư sắt trong máu, tùy mức độ và trường hợp cụ thể, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng khác nhau.
Triệu chứng sớm
Thời gian đầu bị thừa sắt, một số triệu chứng có thể bao gồm:
- Mệt mỏi, suy nhược
- Viêm khớp, đau nhức xương khớp
- Đau dụng, sụt cân nhanh…
Tuy nhiên, các triệu chứng này thường dễ nhầm lẫn với các tình trạng sức khỏe khác, dẫn đến tâm lý chủ quan, không thăm khám, điều trị. Điều này khiến tình trạng ngày một xấu đi.
Triệu chứng muộn
Theo thời gian, lượng sắt dư thừa tích tụ trong cơ thể ngày càng nhiều. Lâu dần, người bệnh sẽ có một số biểu hiện dưới đây:
- Thay đổi màu sắc da: Da chuyển dần sang vàng, sậm màu, hơi đỏ hoặc tím tái
- Suy giảm ham muốn tình dục, nam giới có thể bị bất lực
- Căng thẳng, lo lắng, trầm cảm
- Khó thở, suy tim, đau tim
- Tiến triển bệnh tiểu đường…
Ngoài ra, bênh nhân cũng có thể xuất hiện các triệu chứng bệnh gan như mệt mỏi, vàng da, chán ăn, nước tiểu sậm màu, trướng bụng, đau tức hạ sườn… do biến chứng, dẫn đến các bệnh lý về gan như gan to, xơ gan, viêm gan….
Chẩn đoán dư sắt trong máu bằng cách nào?
Để tránh sức khỏe bị ảnh hưởng, hạn chế biến chứng, khi nhận thấy các dấu hiệu dư sắt, hãy chủ động đến gặp bác sĩ để được thăm khám. Bên cạnh việc đánh giá các dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cần thiết.
Thông thường, một người sẽ được chẩn đoán là dư sắt khi:
- Xét nghiệm sắt huyết thanh: Nồng độ sắt huyết thanh cao hơn 175 mcg / dL với nam và 150 mcg / dL với nữ.
- Phần trăm transferrin bão hòa: Phần trăm transferrin bão hòa huyết thanh khi đói > 50%. Có thể xem là dấu hiệu gợi ý bệnh thừa sắt đồng hợp tử.
- Nồng độ ferritin huyết thanh tăng: Lớn hơn 336 ng/ml với nam và 307 ng/ml với nữ. Với tình trạng thừa sắt, chỉ số này thường tăng rất cao.
Trường hợp kết quả xét nghiệm cho thấy phần trăm transferrin bão hòa hoặc nồng độ ferritin huyết thanh bất thường, xét nghiệm di truyền có thể được chỉ định để kiểm tra các đột biến như C282Y và H63D HFE.
Ngoài ra, nếu bệnh nhân bị thừa sắt nghiêm trọng, xét nghiệm chức năng gan và sinh thiết gan có thể được chỉ định để đánh giá mức độ tổn thương gan và xác định mức độ sắt dư thừa tích tụ trong gan.
Khi bị thừa sắt phải làm sao?
Như dã nói ở trên, để tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, khi có những dấu hiệu nghi ngờ bị thừa sắt, hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám. Trường hợp được chẩn đoán xác định dư sắt trong máu, tùy mức độ cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau.
Một số phương pháp tham khảo có thể bao gồm:
Truyền thải sắt
Truyền thải sắt hay lấy máu tĩnh mạch là phương pháp điều trị thừa sắt được áp dụng phổ biến nhất nhờ tính an toàn, hiệu quả. Thông thường, bệnh nhân sẽ được lấy máu 1 – 2 lần/tuần, mỗi lần khoảng 470ml máu.
Quá trình này sẽ diễn ra đều đặn đến khi nồng độ sắt trong máu của người bệnh quay về ngưỡng bình thường. Sau đó, việc lấy máu sẽ diễn ra với tần suất ít hơn và kết thúc sau khoảng 2 – 4 tháng hoặc lâu hơn tùy trường hợp.
Liệu pháp chelation
Nếu bệnh nhân bị thừa sắt do truyền máu liên tục và không thể thực hiện truyền thải sắt, các thuốc điều trị nội khoa (liệu pháp chelation) sẽ được chỉ định. Với liệu pháp này, người bệnh cần sử dụng các loại thuốc như:
- Deferoxamine (Desferal): Thuốc được tiêm dưới da hoặc tĩnh mạch, giúp liên kết với sắt dư thừa và thải qua nước tiểu.
- Deferasirox (Exjade): Dùng đường uống, có tác dụng loại bỏ sắt qua phân.
- Deferiprone (Ferriprox): Thường dùng phối hợp trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng tốt với deferoxamine.
Kết hợp thay đổi chế độ ăn uống
Để cải thiện tình trạng dư sắt trong máu, người bệnh cũng cần kết hợp với chế độ ăn phù hợp và đầy đủ dinh dưỡng. Đồng thời lưu ý:
- Hạn chế ăn các thực phẩm giàu sắt như thịt bò, thịt cừu, gan động vật, ngũ cốc…
- Không nên tiêu thụ nhiều các loại đồ ăn, thức uống giàu vitamin C bởi chúng có khả năng tăng cường hấp thu sắt từ thực phẩm, làm tình trạng thừa sắt thêm nghiêm trọng.
- Tránh sử dụng các loại đồ uống chứa cồn như rượu, bia bởi chúng bởi chúng có thể thúc đẩy tổn thương gan, đặc biệt với các trường hợp thừa sắt.
- Ăn uống cân bằng các nhóm chất, bổ sung chất xơ, uống nhiều nước, kết hợp các thực phẩm lợi tiểu để hỗ trợ quá trình đào thải sắt dư thừa diễn ra hiệu quả hơn.
- Có thể kết hợp một lượng vừa phải thực phẩm cản trở hấp thu sắt trong bữa ăn như trà, cà phê, thực phẩm canxi… để hạn chế lượng sắt nạp vào.
Phòng ngừa thừa sắt bằng cách nào?
Do bệnh có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền do đó tất cả các thành viên trong gia đình có mối quan hệ huyết thống vưới bệnh nhân thừa sắt nên đến các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra đột biến di truyền, phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, khi sử dụng các chế phẩm bổ sung sắt, hãy chú ý sử dụng đúng cách, đúng liều lượng, không kết hợp sử dụng nhiều sản phẩm chứa sắt cùng lúc. Đồng thời hãy kết hợp bổ sung dinh dưỡng khoa học, sinh hoạt lành mạnh và duy trì thói quen vận động nhẹ nhàng để duy trì một cơ thể khỏe mạnh hơn.
☛ Tìm hiểu thêm: Uống nhiều sắt khi mang thai có tốt không?
Trên đây là những thông tin hữu ích về các triệu chứng dư sắt trong máu cũng như cách điều trị hiệu quả. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào hoặc cần tư vấn thêm về việc bổ sung sắt đúng cách, hãy để lại bình luận bên dưới hoặc liên hệ tổng đài 1900 545 518 để được hỗ trợ nhanh nhất.
Cảm ơn bạn đã theo dõi!
Nguồn tham khảo:
- https://www.nhs.uk/conditions/haemochromatosis/treatment/
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK173958/
- https://suckhoedoisong.vn/cac-thuoc-dieu-tri-benh-u-sat-169139400.htm