3 tháng đầu thai kỳ là thời gian mẹ dần làm quen với việc có thêm một bé con đáng yêu phát triển bên trong cơ thể mình, đây cũng được xem là giai đoạn nhạy cảm nhất, mẹ cần hết sức chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Vậy bà bầu 3 tháng đầu nên ăn gì? Kiêng gì? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Mục lục
Vai trò của dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ
Dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng với mẹ bầu trong suốt thai kỳ, bao gồm cả 3 tháng đầu.
Theo đó, 3 tháng đầu thai kỳ là thời điểm thai nhi dần hình thành các cơ quan quan trọng như tim mạch, não bộ, hệ tiêu hóa… Do đó, việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất quan trọng như protein, sắt, canxi, omega-3, acid folic và các vitamin, khoáng chất khác cho mẹ trong giai đoạn này là vô cùng cần thiết để giúp bé yêu phát triển toàn diện, hạn chế tối đa nguy cơ dị tật bẩm sinh.
Mặt khác, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, đúng cách trong thai kỳ cũng giúp mẹ có sức đề kháng và sức khỏe tốt hơn, làm giảm nguy cơ biến chứng thai kỳ như sinh non, sảy thai, suy dinh dưỡng bào thai…
Bà bầu 3 tháng đầu nên ăn gì?
3 tháng đầu thai kỳ là thời điểm nhạy cảm với rất nhiều bà bầu, không ít mẹ bị ốm nghén trong giai đoạn này. Vậy bà bầu nên ăn gì 3 tháng đầu để tốt cho cả mẹ và thai nhi?
Dưới đây là một số thực phẩm mẹ không nên bỏ qua:
Thực phẩm giàu protein
Protein không chỉ giúp cung cấp năng lượng, duy trì sự sống và sức khỏe của mẹ mà chúng còn là thành phần chính yếu của các tế bào, đặc biệt cần thiết cho sự phát triển mô, cơ và các cơ quan trong cơ thể của thai nhi.
Theo khuyến nghị, mẹ bầu sẽ cần bổ sung khoảng 75g protein mỗi ngày để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho bé yêu cũng như duy trì một thai kỳ khỏe mạnh.
Một số thực phẩm giàu protein mẹ bầu không nên bỏ qua bao gồm: trứng, sữa, thịt, cá, các loại đậu…
Thực phẩm giàu sắt
Sắt là khoáng chất quan trọng góp phần cấu thành hemoglobin – protein có trong các tế bào hồng cầu, đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển oxy tới các mô và cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả việc vận chuyển chất dinh dưỡng từ mẹ sang thai nhi.
Khi mang thai nhu cầu sắt của mẹ bầu sẽ tăng lên đáng kể do đó mẹ rất dễ bị thiếu sắt. Nếu không được cung cấp đủ sắt, mẹ và thai nhi có thể gặp phải những vấn đề như thiếu máu, tăng nguy cơ sinh non, suy dinh dưỡng bào thai…
Chính vì vậy, bổ sung sắt vào chế độ ăn là việc cần thiết để giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh, đảm bảo sự phát triển của thai nhi.
Mẹ có thể thêm vào thực đơn các thực phẩm giàu sắt như thịt bò, thịt cừu, thịt heo, gan động vật, bông cải xanh, ngũ cốc nguyên hạt… Ngoài ra, mẹ có thể lựa chọn bổ sung sắt từ các chế phẩm bổ sung để giảm thiểu tối đa nguy cơ thiếu hụt dưỡng chất này.
☛ Tìm hiểu thêm: Có nên dùng thuốc sắt cho bà bầu 3 tháng đầu?
Thực phẩm giàu canxi và vitamin D
Canxi và vitamin D là những dưỡng chất không thể thiếu để duy trì hệ xương khớp khỏe mạnh cho mẹ và sự hình thành hệ xương – răng ở thai nhi. Ngoài ra, canxi cũng hỗ trợ hoạt động của hệ cơ bắp, thần kinh và góp phần duy trì hoạt động của tim.
Mẹ bầu 3 tháng đầu có thể bổ sung canxi và vitamin D qua các thực phẩm như: tôm, cá, trứng, sữa, rau có lá màu xanh đậm và các loại đậu…
Bên cạnh đó, mẹ có thể duy trì thói quen tắm nắng sớm để giúp cơ thể tổng hợp vitamin D tự nhiên hiệu quả hơn, hỗ trợ quá trình hấp thu canxi của cơ thể.
Thực phẩm giàu acid folic
Để hỗ trợ quá trình hình thành cột sống và đảm bảo sự phát triển não bộ của thai nhi, trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ cần được cung cấp khoảng 400mg acid folic mỗi ngày.
Các thực phẩm giàu acid folic tốt cho bà bầu 3 tháng đầu có thể kể đến như: rau màu xanh đậm, măng tây, cam, quýt, bưởi, hạt óc chó, đậu phộng…
Thực phẩm giàu DHA
DHA là acid béo omega-3 có vai trò hết sức quan trọng với sự phát triển hệ thần kinh và não bộ của thai nhi. Ngoài ra, DHA cũng cần thiết cho quá trình lưu thông máu diễn ra hiệu quả, đồng thời cải thiện sự hình thành các điểm tiếp hợp thần kinh (synap) và thúc đẩy chức năng cảm quan của võng mạc.
Việc cung cấp đầy đủ DHA sẽ giúp trí não thai nhi phát triển tối ưu, đồng thời hỗ trợ sức khỏe mẹ bầu tốt hơn, giảm thiểu các nguy cơ liên quan đến sinh non.
DHA có nhiều trong các thực phẩm như cá hồi, lòng đỏ trứng, hạt hạnh nhân, hạt óc chó, hạt lanh, hạt chia và các loại dầu thực vật…
Bà bầu không nên ăn gì trong 3 tháng đầu?
Bên cạnh việc tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu dưỡng chất, có lợi cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi, bà bầu cũng nên hạn chế tiêu thụ một số thực phẩm nhất định. Vậy 3 tháng đầu bà bầu không nên ăn gì?
Thực phẩm chế biến sẵn
Các thực phẩm chế biến sẵn như thịt và trái cây đóng hộp thường chứa nhiều muối, đường, chất béo bão hòa, thậm chí một số còn chứa những chất phụ gia không tốt cho sức khỏe. Nếu thường xuyên tiêu thụ các thực phẩm này, mẹ bầu có thể đối diện với các vấn đề sức khỏe như béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch, cao huyết áp… tăng nguy cơ biến chứng sản khoa.
Thay vì sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, bà bầu nên ưu tiên nấu ăn tại nhà với các nguyên liệu tươi ngon, bổ dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thức ăn nhanh
Thức ăn nhanh vốn được nhiều người ưa chuộng vì sự tiện lợi và cảm giác ngon miệng. Tuy nhiên, việc thường xuyên sử dụng các loại thức ăn nhanh như gà rán, hamburger, khoai tây chiên, xúc xích… lại không được khuyến khích, đặc biệt với mẹ bầu.
Theo đó, mặc dù có thể cung cấp nhiều calo những các loại thức ăn nhanh lại chứa nhiều muối, đường và chất béo bão hòa, đồng thời có rất ít vitamin, khoáng chất và chất xơ, không đủ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Mặt khác, lượng calo và chất béo cao trong thức ăn nhanh dễ khiến mẹ bầu bị thừa cân, béo phì, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Thực phẩm chứa nhiều thủy ngân
Mẹ bầu thường xuyên thiêu thụ các thực phẩm giàu thủy ngân có thể khiến não bộ và hệ thần kinh của thai nhi bị ảnh hưởng.
Thủy ngân được tìm thấy trong nhiều thực phẩm khác nhau, tuy nhiên chúng có nhiều nhất trong các loại cá như cá thu, cá ngừ, cá kiếm… Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, mẹ nên hạn chế ăn các thực phẩm này, thay vào đó có thể lựa chọn các loại cá có lượng thủy ngân thấp hơn như cá basa, cá chép, cá hồi… và chỉ nên ăn khoảng 2 – 3 bữa/tuần.
Thực phẩm chứa nhiều caffeine
Caffeine được xếp vào nhóm chất kích thích và chúng có thể khiến mẹ bầu bị mất ngủ, tăng nhịp tim… Việc sử dụng quá nhiều chất này sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, khi mang thai, mẹ nên hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống chứa nhiều caffeine trà, cà phê, soda, nước tăng lực…
Đồ ăn cay nóng
Các loại đồ ăn được nêm nếm nhiều gia vị cay nóng như tiêu, tỏi, ớt, gừng… có thể khiến dạ dày của mẹ bầu bị kích ứng, dẫn đến tình trạng ợ nóng, trào ngược, khó tiêu… làm ảnh hưởng đến sức khỏe và gây cảm giác khó chịu. Bên cạnh đó, việc thường xuyên tiêu thụ đồ ăn cay nóng cũng khiến mẹ bị nổi mụn.
Một số thực phẩm khác
Trong 3 tháng đầu thai kỳ mẹ cũng nên hạn chế ăn các thực phẩm như:
- Rau ngót: Rau ngót chứa nhiều papaverin, có thể gây co thắt tử cung, dẫn tới sảy thai nếu ăn quá nhiều.
- Dứa: Dứa chứa bromelain, một enzyme có khả năng làm mềm cổ tử cung, tăng nguy cơ chuyển dạ sớm. Do đó, mẹ bầu 3 tháng đầu cần hạn chế ăn dứa.
- Đu đủ xanh: Enzyme papain có trong mủ của đu đủ xanh có thể khiến tử cung bị co thắt, dẫn đến sảy thai. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu ăn đu đủ chín thì lại rất tốt vì chúng giàu chất xơ, khoáng chất và các vitamin A, B, C…
Lưu ý trong chế độ ăn cho bà bầu 3 tháng đầu
Bên cạnh lựa chọn sử dụng các thực phẩm tốt cho sức khỏe, trong chế độ ăn thường ngày, bà bầu cũng cần lưu ý:
- Ăn đa dạng thực phẩm, thường xuyên thay đổi thực đơn để đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, đồng thời giúp bữa ăn phong phú hơn, tránh cảm giác nhàm chán.
- Ăn nhiều bữa nhỏ: Thay vì chỉ ăn 3 bữa chính trong ngày, mẹ nên chia khẩu phần ăn thành 6 – 7 bữa nhỏ để giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, tránh tình trạng đầy bụng, khó tiêu.
- Ăn chín, uống sôi: Mẹ bầu cũng cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín – uống sôi, tuyệt đối tránh các loại gỏi từ thịt sống để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho cả mẹ và bé.
- Uống đủ nước: Bà bầu nên duy trì thói quen uống đủ nước (khoảng 2 lít mỗi ngày tùy thể trọng cơ thể) để đảm bảo duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan trong cơ thể và kích thích quá trình trao đổi chất, tăng hiệu quả tiêu hóa, hấp thu.
☛ Tham khảo: Hướng dẫn bổ sung sắt, canxi, DHA cho bà bầu
Trên đây là những thông tin hữu ích về việc bà bầu 3 tháng nên ăn gì, kiêng gì. Hãy thường xuyên theo dõi Fogyma.vn để cập nhật thêm những kiến thức bổ ích về việc chăm sóc sức khỏe mẹ bầu nhé!