Thiếu máu có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Một trong những cách hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa thiếu máu là bổ sung dinh dưỡng khoa học, cân bằng dưỡng chất, đồng thời hạn chế sử dụng một số thực phẩm không tốt cho quá trình tạo máu. Vậy bà bầu thiếu máu không nên ăn gì?
Mục lục
Nguyên tắc dinh dưỡng cho bà bầu thiếu máu
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho sự hình thành, phát triển của thai nhi, cũng như duy trì sức khỏe của bà bầu.
Khi mang thai, nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể bà bầu tăng cao để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi và duy trì sức khỏe của mẹ. Đặc biệt, nhu cầu sắt tăng lên để đáp ứng cho sự hình thành hồng cầu mới và duy trì lượng máu cần thiết trong cơ thể. Lúc này, nếu cơ thể mẹ không được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng như acid folic, vitamin B12 và đặc biệt là sắt sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu khi mang thai.
Để cải thiện, phòng ngừa tình trạng thiếu máu khi mang thai, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho mẹ và sự phát triển toàn diện của thai nhi, chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Ăn uống đa dạng, đầy đủ dưỡng chất để cải thiện sức khỏe và hỗ trợ sự phát triển toàn diện của thai nhi.
- Ăn chín – uống sôi, ưu tiên thực phẩm tươi sống, tránh các nhiễm khuẩn gây nguy hiểm cho mẹ và bé.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm có lợi cho quá trình tạo máu, đồng thời hạn chế tiêu thụ các loại đồ ăn, thức uống cản trở hấp thu sắt, làm tăng nguy cơ thiếu máu.
- Chia nhỏ bữa ăn để tăng khả năng hấp thu các dưỡng chất của cơ thể, hỗ trợ quá trình tạo máu diễn ra hiệu quả hơn.
- Uống nhiều nước để kích thích quá trình trao đổi chất, giúp cơ thể hấp thu khoáng chất sắt hiệu quả hơn, đồng thời cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, duy trì tuần hoàn máu và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Bà bầu thiếu máu không nên ăn gì?
Với các trường hợp bị thiếu máu, mẹ bầu nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm có khả năng cản trở hấp thu sắt. Việc ăn các thực phẩm có chứa những chất như tanin, gluten, canxi, phytates, acid oxalic, cafein… cùng lúc với thực phẩm giàu sắt có thể cản trở hấp thu khoáng chất này, khiến tình trạng thiếu máu trở nên nghiêm trọng hơn.
Dù vậy, điều này không có nghĩa là mẹ cần loại bỏ hoàn toàn các thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn mà hãy sử dụng chúng một cách khoa học, cách thời điểm bổ sung sắt từ 1 – 2 giờ.
Dưới đây là một số thực phẩm mẹ nên tránh dùng cùng lúc với các bữa ăn giàu sắt:
Thực phẩm giàu tanin
Tanin là một loại hợp chất polyphenol tự nhiên, có nhiều trong trà, cà phê, rượu vang, cacao, rau răm, hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ…
Theo một số nghiên cứu được thực hiện, chúng có khả năng tạo thành phức hợp với các khoáng chất, đặc biệt là chất sắt, làm cản trở quá trình hấp thu sắt ở đường ruột [1], làm tăng nguy cơ thiếu máu. Vì vậy, để cải thiện tình trạng thiếu máu hiệu quả hơn, mẹ nên tránh tiêu thụ các thực phẩm giàu tanin trong các bữa ăn giàu sắt.
Thực phẩm giàu gluten
Gluten là một loại protein có nhiều trong lúa mạch, lúa mì và các sản phẩm từ bột mỳ tinh chế như bánh mỳ, bánh ngọt, bánh quy… Việc ăn quá nhiều các thực phẩm này có thể làm giảm hấp thụ sắt từ thực phẩm, dẫn đến thiếu máu thiếu sắt.
Ngoài ra, nếu mẹ bầu bị mắc bệnh celiac thì cần hết sức thận trọng khi sử dụng các thực phẩm giàu gluten. Celiac là bệnh tự miễn khiến gluten làm hại niêm mạc ruột non, gây khó khăn trong việc hấp thu các khoáng chất thiết yếu, đặc biệt là chất sắt, từ đó làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi.
Cụ thể, theo một nghiên cứu được thực hiện trên 18 phụ nữ trưởng thành mắc celiac với chế độ ăn kiêng không chứa gluten [2]. Sau 6 tháng thử nghiệm, 14 bệnh nhân đã hết thiếu máu, 5 bệnh nhân phục hồi sau tình trạng thiếu sắt. Sau 12 tháng tiếp tục ăn kiêng, 94,4% người đã phục hồi sau tình trạng thiếu máu và 9 bệnh nhân được cải thiện chứng thiếu sắt.
Thực phẩm chứa nhiều phytates
Phytates hay còn gọi là axit phytic, là các hợp chất tự nhiên thường xuất hiện trong thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao như lúa mì nguyên hạt, gạo lứt, ngũ cốc… Chúng có khả năng kết hợp với một số khoáng chất như sắt, kẽm và canxi trong thực phẩm, tạo thành các hợp chất khó hấp thụ.
Do đó, nếu tiêu thụ quá nhiều phytate, nó có thể ảnh hưởng đến hấp thụ chất sắt từ thực phẩm, làm tình trạng thiếu máu thiếu sắt thêm trầm trọng.
Thực phẩm nhiều acid oxalic
Acid oxalic có trong một số loại thực phẩm như cà chua, củ cải đường, rau dền, đậu bắp, khế và nhiều loại thực phẩm khác. Chúng có thể kết hợp với sắt, canxi… tạo thành các hợp chất oxalate, làm giảm khả năng hấp thu các khoáng chất này ở ruột non. Điều này có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ, đồng thời gây ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của thai nhi.
Thực phẩm quá nhiều chất xơ
Chất xơ không có nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng chúng lại rất quan trọng trong chế độ ăn uống hàng ngày và có nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm giúp duy trì sự cân bằng đường huyết và hỗ trợ tiêu hóa.
Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều chất xơ có thể dẫn đến tình trạng đầy bụng, khó tiêu và ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất sắt trong cơ thể. Điều này có thể gây ra thiếu máu thiếu sắt. Do đó, mẹ bầu chỉ nên ăn một lượng chất xơ vừa đủ trong chế độ ăn hàng ngày, đồng thời kết hợp ăn đa dạng thực phẩm, đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng khác.
Thực phẩm giàu canxi
Bà bầu cần bổ sung canxi để hỗ trợ sự phát triển xương của thai nhi và duy trì sức khỏe xương của mẹ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, canxi citrat và canxi phosphat có thể làm giảm hiệu quả hấp thụ sắt lần lượt là 49% và 62% [3]. Khi dùng canxi kèm với các bữa ăn giàu sắt, chúng cũng ức chế sự hấp thu sắt trong thực phẩm.
Dù vậy, việc bổ sung đầy đủ canxi trong thai kỳ vẫn rất quan trọng, do đó mẹ hãy chú ý tránh sử dụng các thực phẩm giàu canxi trong các bữa ăn giàu sắt nhé.
Đồ uống chứa cồn, cafein
Cồn và cafein có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất sắt và các dưỡng chất khác trong cơ thể. Do đó, mẹ bầu không được khuyến khích sử dụng các chất này trong thai kỳ, nhất là khi bị thiếu máu.
Theo nghiên cứu được thực hiện trên 206 phụ nữ mang thai ở Nam Phi (126 người uống nhiều rượu, 80 người đối chứng) [4], ở những người sử dụng rượu bia, mức hepcidin có xu hướng tăng, dẫn đến việc lưu trữ sắt thay vì sử dụng cho việc tạo hồng cầu, làm tăng nguy cơ thiếu máu thiếu sắt. Bên cạnh đó, các chất độc hại trong rượu bia cũng làm cản trở khả năng vận chuyển sắt từ mẹ sang con, khiến thai nhi không nhận đủ lượng sắt cần thiết, dẫn đến thiếu máu ở trẻ sơ sinh (lượng hemoglobin và ferritin thấp).
Theo một nghiên cứu khác, những phụ nữ mang thai có thói quen uống nhiều cà phê cũng làm tăng nguy cơ thiếu máu ở cả mẹ bầu và trẻ sơ sinh [5].
Ngoài ra, việc thường xuyên sử dụng đồ uống chứa cồn, cafein có thể làm ảnh hưởng đến gan, đồng thời tác động tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Bà bầu thiếu máu ăn gì tốt?
Bên cạnh việc hạn chế ăn các thực phẩm có khả năng ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dưỡng chất của cơ thể, khi bị thiếu máu, mẹ nên tăng cường ăn các thực phẩm như:
Thực phẩm giàu sắt
Sắt là khoáng chất quan trọng giúp hình thành hồng cầu và cung cấp oxy cho cơ thể. Thiếu sắt được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu thai kỳ. Do đó, để cải thiện tình trạng thiếu máu, mẹ bầu nên ăn các thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, gan động vật, lòng đỏ trứng, cá hồi, đậu phụ, đậu đỏ, hạt hướng dương, hạt lanh và các loại rau xanh lá màu đậm như rau cải, cải xoăn, cải bắp…
Xem thêm: 10+ thực phẩm bổ sung sắt cho bà bầu
Thực phẩm giàu acid folic
Thiếu hụt acid folic cũng có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ thiếu máu ở mẹ bầu. Ngoài ra, acid folic còn đặc biệt cần thiết cho sự phát triển của mô và tế bào trong cơ thể, nhất là quá trình hình thành ống thần kinh ở thai nhi.
Mẹ bầu nên tăng cường bổ sung acid folic qua chế độ ăn với các thực phẩm như thịt bò, thịt trâu, cá hồi, sò, hàu, bông cải xanh, đậu nành…
Thực phẩm giàu vitamin B12
Vitamin B12 là chất có vai trò quan trọng trong sự hình thành hồng cầu và hỗ trợ hoạt động của hệ thần kinh. Để cải thiện tình trạng thiếu máu do thiếu vitamin B12, mẹ nên tăng cường ăn các thực phẩm như thịt gia cầm, hải sản, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, đậu nành…
Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch mà còn hỗ trợ hấp thụ sắt trong cơ thể, đặc biệt là các nguồn sắt từ thực phẩm. Điều này rất cần thiết cho một thai kỳ khỏe mạnh.
Có nhiều nguồn cung cấp vitamin C tự nhiên cho bà bầu, bao gồm cam, quýt, bưởi, dâu tây, kiwi, cà chua, cải xoăn và nhiều loại rau xanh khác.
Bên cạnh chế độ ăn uống cân bằng, mẹ bầu cũng có thể bổ sung thêm sắt, acid folic và các vitamin, khoáng chất thông qua các loại thực phẩm chức năng hoặc thuốc bổ. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ và tuân thủ sử dụng đúng liều lượng.
Tìm hiểu thêm: Bà bầu thiếu máu phải làm sao?
Lời kết:
Trên đây là những thông tin hữu ích về việc bà bầu thiếu máu không nên ăn gì. Hơn hết, để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, cải thiện chứng thiếu máu hiệu quả, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn, đồng thời duy trì tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi và điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp nếu cần.
Nguồn tham khảo:
[1] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/2598894/
[2] https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0002927000022565
[3] https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0002916523170493
[4] https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0002916522004348
[5] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/3414579/