Đào là loại trái cây thơm ngon, bổ dưỡng. Tuy nhiên, theo dân gian, phụ nữ mang thai không nên ăn đào bởi loại quả này có thể gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Vậy sự thật ra sao, bà bầu có được ăn đào không? Hãy cùng Fogyma tìm hiểu làm rõ nhé!
Mục lục
Bà bầu có được ăn đào không?
Theo quan niệm dân gian, bà bầu không nên ăn đào, thậm chí chúng còn trở thành loại quả cấm kỵ trong suốt thai kỳ. Nhiều người đã truyền tai nhau rằng mẹ bầu ăn đào có thể bị sảy thai, sinh non hay con sinh ra bé sẽ có nhiều lông… Thậm chí, có thông tin còn cho rằng ăn đào khi mang thai sẽ khiến bé bị câm điếc.
Tuy nhiên, đây đều là những lời đồn thổi, thiếu cơ sở khoa học và chưa được kiểm chứng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ sản khoa, mẹ bầu hoàn toàn có thể ăn đào. Thành phần dưỡng chất dồi dào trong quả đào như protein, sắt, acid folic, vitamin A, vitamin C, vitamin E, kali, magie, phốt pho và cả chất xơ… sẽ giúp cải thiện sức khỏe của mẹ, đồng thời hỗ trợ bé yêu phát triển toàn diện hơn.
Lợi ích của quả đào với bà bầu
Việc thường xuyên ăn đào với một lượng vừa đủ ( 2 – 3 lần/tuần, mỗi lần 1 – 2 quả) sẽ giúp đem lại những lợi ích đáng kể cho mẹ bầu. Cụ thể:
Tốt cho hệ tiêu hóa: 100g đào có thể cung cấp khoảng 1.5g chất xơ, giúp hệ tiêu hóa của mẹ bầu hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời làm giảm và ngăn ngừa tình trạng táo bón.
Tăng cường miễn dịch, cải thiện sức khỏe: Lượng vitamin và khoáng chất dồi dào trong quả đào, đặc biệt là vitamin A, C có thể giúp cải thiện sức đề kháng, hỗ trợ bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi. Ngoài ra, vitamin A còn giúp tăng cường thị lực cho mẹ, trong khi đó vitamin C lại góp phần cải thiện khả năng hấp thu sắt và canxi, giúp mẹ duy trì thai kỳ khỏe mạnh hơn.
☛ Đọc thêm: Bà bầu thiếu sắt phải làm sao?
Hỗ trợ ngăn ngừa dị tật ở thai nhi: Thành phần acid folic (vitamin B9) trong quả đào rất cần thiết cho sự hình thành, phát triển hệ thần kinh ở thai nhi, bao gồm não bộ và tủy sống, giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh và giảm nguy cơ sảy thai.
Giúp xương khớp chắc khỏe hơn: 100g đào tươi có thể cung cấp đến 20g phốt pho, ngoài ra chúng cũng rất giàu canxi, giúp cơ thể hấp thu canxi hiệu quả hơn, từ đó mang lại cho mẹ hệ xương khớp chắc khỏe, hạn chế nguy cơ loãng xương, đồng thời hỗ trợ sự phát triển xương của thai nhi.
Hỗ trợ kiểm soát cân nặng: Quả đào có lượng calo thấp, trong khi đó lại giàu chất xơ và các dưỡng chất có lợi cho cơ thể, giúp mẹ cải thiện sức khỏe, duy trì vóc dáng và giảm nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ.
Giúp ổn định tâm lý: Trong thai kỳ mẹ bầu rất dễ trải qua trạng thái lo âu, stress do sự thiếu hụt magie làm chức năng của hệ thần kinh bị ảnh hưởng. Trong khi đó, quả đào có hàm lượng magie cao có thể giúp mẹ ổn định tâm lý và hỗ trợ tăng cường sức khỏe.
Ổn định huyết áp, giảm nguy cơ chuột rút: Rất nhiều mẹ bầu gặp phải tình trạng chuột rút trong thai kỳ. Một quả đào có thể đáp ứng đến 12% lượng kali cần thiết mỗi ngày cho mẹ, qua đó giảm tình trạng chuột rút, phù nề, đồng thời giúp mẹ ổn định huyết áp và có thai kỳ khỏe mạnh hơn.
Giảm bớt khó chịu khi ốm nghén: Quả đào có vị ngọt, hơi chua nhẹ nên có thể giúp giảm bớt cảm giác khó chịu, buồn nôn do ốm nghén ở nhiều mẹ bầu.
Bà bầu nên ăn đào như thế nào?
Để đảm bảo an toàn, khi ăn đào mẹ cần lưu ý những vấn đề như:
Chọn đào tươi sạch
Khi chọn đào, mẹ bầu nên chọn những có màu sắc tươi sáng, vỏ căng, lông tơ mịn, cuống còn xanh, cầm lên thấy chắc tay, không có dấu hiệu héo úa, dập nát, thối hỏng.
Nếu thích ăn đào chín, mẹ có thể quả những quả hơi mềm tay, ấn nhẹ vẫn có độ đàn hồi. Đặc biệt, đào chín sẽ có mùi thơm dịu nhẹ, rất dễ chịu. Tránh chọn những quả đào quá mềm hoặc quá cứng, hay những quả có mùi lạ.
Ngoài ra, mẹ cũng nên hạn chế sử dụng các loại đào đóng hộp, mứt đào… bởi chúng thường chứa nhiều đường và chất bảo quản, làm tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ, không tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
Rửa sạch và gọt vỏ trước khi ăn
Trước khi ăn đào, mẹ bầu nên rửa đào thật sạch với nước, đồng thời ngâm nước muối loãng khoảng 10 – 15 phút để loại bỏ vi khuẩn tạp chất.
Ngoài ra, lớp lông tơ trên vỏ đào có thể gây kích ứng và khiến mẹ bị ho, do đó mẹ nên gọt bỏ vỏ hoặc lau sạch lông trước khi ăn để đảm bảo an toàn.
Không ăn quá nhiều
Mặc dù quả đào rất thơm ngon và chứa nhiều dưỡng chất có lợi, tuy nhiên bà bầu không nên ăn quá nhiều đào trong ngày.
Theo quan niệm Đông y, quả đào có tính nóng, nếu ăn nhiều có thể khiến cơ thể sinh nhiệt, dẫn đến nóng trong, thậm chí gây tình trạng xuất huyết. Đào cũng có nhiều chất xơ và các acid hữu cơ nên nếu ăn quá nhiều một lúc có thể khiến mẹ bầu bị đầy bụng, khó tiêu.
Để đảm bảo sức khỏe, an toàn, mẹ bầu chỉ nên ăn 1 – 2 quả đào/ngày và mỗi tuần ăn 2 – 3 lần.
Một vài lưu ý khi ăn đào trong thai kỳ
Khi ăn đào trong thai kỳ, mẹ bầu cũng cần lưu ý:
- Tuyệt đối không ăn đào nếu bản thân bị dị ứng với loại quả này.
- Bên cạnh việc ăn đào đúng cách, mẹ nên kết hợp bổ sung các loại trái cây khác để bổ sung đa dạng dưỡng chất cho cơ thể.
- Không ăn đào nếu đang gặp các vấn đề về tiêu hóa như đau dạ dày, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu…
☛ Xem thêm: Top những loại trái cây giàu sắt tốt cho mẹ bầu
Kết luận:
Bà bầu hoàn toàn có thể ăn đào trong thai kỳ, tuy nhiên cần lưu ý chọn đào tươi sạch, có nguồn gốc rõ ràng, rửa sạch trước khi ăn và không nên ăn quá nhiều.