3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn hết sức quan trọng khi mẹ cần chuẩn bị kỹ càng để đón bé yêu chào đời. Vậy trong thời gian này mẹ nên ăn gì để con lớn nhanh, thông minh và khỏe mạnh?
Mục lục
Nguyên tắc dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng cuối
Ba tháng cuối thai kỳ là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh nhất để chuẩn bị chào đời. Do đó, thời gian này, bà bầu cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ dưỡng chất để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, đồng thời giúp bé yêu phát triển toàn diện hơn.
Dưới đây là một số nguyên tắc giúp mẹ bầu 3 tháng cuối có thể bổ sung dinh dưỡng một cách tối ưu:
- Đảm bảo lượng calo nạp vào: 3 tháng cuối thai kỳ, nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu sẽ vào khoảng 2.180 đến 2.500 kcal mỗi ngày. Mẹ nên chú ý nạp đủ lượng calo cần thiết để đảm bảo năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể, duy trì sức khỏe thai kỳ.
- Cung cấp đầy đủ dưỡng chất: Mẹ bầu nên ăn đa dạng và cân đối các dưỡng chất như carbohydrate, chất béo, protein, vitamin và khoáng chất để thai nhi có thể phát triển tốt hơn. ☛ Xem thêm: Nhu cầu sắt, canxi trong 3 tháng cuối thai kỳ
- Ăn chín – uống sôi: Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh nguy cơ nhiễm khuẩn ảnh hưởng xấu đến cả mẹ và thai nhi, bà bầu cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín – uống sôi, tránh sử dụng các thực phẩm chưa được nấu chín.
3 tháng cuối bà bầu nên ăn gì?
Bên cạnh việc tuân thủ nguyên tắc bổ sung dinh dưỡng, mẹ bầu có thể thêm một số thực phẩm dưới đây vào chế độ ăn của mình để bé yêu có thể phát triển tốt hơn.
Thịt đỏ
Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt heo, thịt dê, thịt cừu… là nguồn cung cấp protein, sắt, kẽm… dồi dào, giúp mẹ ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, cải thiện miễn dịch, đồng thời hỗ trợ phát các nhóm cơ cho thai nhi.
Khi ăn các loại thịt đỏ, mẹ nên chọn phần thịt nạc để nhận được nhiều dưỡng chất hơn, tránh ăn nhiều mỡ làm ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol trong máu.
Trứng gà
Trứng gà là nguồn thực phẩm tuyệt vời cho mẹ bầu 3 tháng cuối với những dưỡng chất tuyệt vời như:
- Protein: Trứng gà có hàm lượng protein cao, giúp duy trì sức khỏe của mẹ, hỗ trợ phát triển mô và các cơ của thai nhi.
- Vitamin D: Giúp quá trình hấp thu canxi diễn ra hiệu quả hơn, hỗ trợ phát triển xương – răng cho bé.
- Choline: Hỗ trợ sự phát triển não bộ, ngăn ngừa dị tật ống thần kinh, kích thích phát triển khả năng ghi nhớ của bé.
- Lutein: Chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ mắt của mẹ, hỗ trợ phát triển thị lực của bé yêu…
Cá hồi
Cá hồi chứa nhiều axit béo omega-3, một loại dưỡng chất thiết yếu giúp phát triển trí não và thị giác của thai nhi. Omega-3 không chỉ tốt cho sự phát triển của trẻ mà còn có lợi cho sức khỏe của mẹ, giúp duy trì sức khỏe tim mạch, chức năng não bộ và giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh.
Ngoài ra, cá hồi còn rất giàu protein, một thành phần quan trọng giúp phát triển cơ bắp và các mô của thai nhi. Chúng cũng là nguồn cung cấp dồi dào các vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin D, vitamin B12, sắt và kẽm, giúp hỗ trợ quá trình tạo máu, phát triển xương diễn ra hiệu quả, đồng thời củng cố hệ miễn dịch, giúp bé yêu phát triển tốt hơn.
Sữa
Sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho mẹ bầu 3 tháng cuối. Uống 1 – 2 ly sữa mỗi ngày sẽ cung cấp cho mẹ một lượng canxi và vitamin D tương đối để duy trì sức khỏe xương, đồng thời hỗ trợ phát triển hệ xương – răng cho thai nhi.
Lượng protein dồi dào trong sữa cũng giúp cung cấp năng lượng cho mẹ và thúc đẩy sự phát triển của các nhóm cơ, cần thiết cho sức khỏe cả mẹ và bé.
Ngoài ra, sữa cũng giúp cung cấp nhiều khoáng chất khác như phốt pho, kali và magie… tốt cho sự phát triển của thai nhi.
Quả bơ
Quả bơ chứa rất nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe mẹ bầu như vitamin E, omega-3, folate… Ngoài ra, chúng cũng hỗ trợ sự phát triển thị giác và trí não của thai nhi, giúp bé phát triển thông minh, khỏe mạnh hơn.
Mẹ có thể chọn những trái bơ vừa chín tới, ăn trực tiếp hoặc kết hợp cùng các món salad hay xay sinh tố đều rất tuyệt vời.
Trái cây họ cam, quýt
Trái cây họ cam quýt là nguồn cung cấp vitamin dồi dào, đặc biệt là vitamin C với khả năng kích thích hoạt động của hệ miễn dịch, đồng thời hỗ trợ quá trình hấp thu sắt, giúp mẹ có thai kỳ khỏe mạnh hơn.
Các loại hạt
Các loại hạt như óc chó, hạnh nhân, hạt chia, hạt điều… rất giàu chất xơ, omega-3, vitamin E và các khoáng chất thiếu yếu như sắt, magie, giúp bổ sung dinh dưỡng cho mẹ và thai nhi, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, hỗ trợ phát triển thị giác và trí não cho bé.
Mẹ có thể thêm các loại hạt vào bữa phụ mỗi ngày. Tuy nhiên cần tránh ăn quá nhiều bởi chúng có thể gây đầy bụng, khó tiêu và có thể dẫn đến tình trạng thừa cân.
3 tháng cuối bà bầu không nên ăn gì?
Một số loại thực phẩm mẹ bầu không nên ăn trong 3 tháng cuối bao gồm:
Cá chứa nhiều thủy ngân
Cá kiếm, cá thu, cá ngừ… là những loại cá có chứa hàm lượng thủy ngân tương đối lớn và mẹ nên hạn chế tiêu thụ trong thai kỳ.
Theo đó, thủy ngân là kim loại nặng có thể gây ngộ độc. Việc ăn nhiều các thực phẩm chứa hàm lượng thủy ngân cao trong thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương hệ thần kinh của thai nhi, khiến trẻ gặp tình trạng chậm phát triển…
Tuy nhiên, mẹ không nên vì thế mà “cự tuyệt” với tất cả cả loại cá bởi chúng có rất nhiều dưỡng chất quý giá tốt cho sức khỏe. Thay vì ăn các loại cá nhiều thủy ngân, mẹ nên chọn những loại cá có lượng thủy ngân thấp hơn như cá hồi, cả trích, cá mòi…
Thực phẩm đóng hộp (chế biến sẵn)
Các loại thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều đường, muối, chất béo bão hòa, phụ gia… không tốt cho sức khỏe trong khi đó hàm lượng dinh dưỡng lại không cao.
Nếu tiêu thụ quá nhiều các thực phẩm này trong thai kỳ, mẹ có thể gặp phải các vấn đề như tiểu đường, béo phì, cao huyết áp, tim mạch… đồng thời sự phát triển của bé cũng bị ảnh hưởng.
Món ăn tái hoặc sống
Các món ăn tái hoặc sống như gỏi, sashimi, trứng sống… có thể cho cảm giác mới lạ, kích thích vị giác và giữ được trọn vẹn dinh dưỡng nên được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, chúng cũng có thể là nguồn chứa các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, gây ngộ độc, thậm chí ảnh hưởng an toàn của mẹ bầu và thai nhi. Đây cũng chính là lí do chúng thường được xếp vào nhóm thực phẩm mẹ bầu nên tránh sử dụng trong thai kỳ.
Nội tạng động vật
Nội tạng động vật thường chứa nhiều chất béo bão hòa, việc tiêu thụ chúng quá mức có thể làm tăng cholesterol trong máu, khiến sức khỏe tim mạch của cả mẹ và thai nhi bị ảnh hưởng.
Mặt khác, nội tạng cũng là cơ quan tích tụ động tố của động vật, chúng rất dễ mang các chất độc có trong chăn nuôi. Những chất này sẽ gây hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhi, thậm chí làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh.
Dù vậy, điều này không có nghĩa là mẹ cần loại bỏ hoàn toàn các món ăn từ nội tạng động vật trong thai kỳ. Thực tế, chúng cũng có chứa nhiều các dưỡng chất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là vitamin A và sắt nên nếu cảm thấy thèm, thỉnh thoảng mẹ vẫn có thể ăn một lượng vừa phải và cần chú ý chế biến đảm bảo vệ sinh, nấu chín kỹ.
Đồ ăn cay nóng
Thực phẩm được chế biến với các loại gia vị cay nóng như tiêu, ớt… có thể khiến mẹ bị kích ứng dạ dày, tiêu hóa, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ khi kích thước thai nhi gia tăng nhanh chóng khiến dạ dày bị chèn ép.
Theo đó, việc thường xuyên ăn đồ cay nóng sẽ khiến mẹ đối diện với các vấn đề như:
- Đầy hơi, trào ngược dạ dày, thực quản
- Đau dạ dày
- Táo bón hoặc tiêu chảy…
Ngoài ra, chúng cũng có thể kích thích các phản ứng viêm và khiến mẹ dễ bị nổi mụn.
Kết luận:
Chế độ dinh dưỡng của mẹ trong 3 tháng cuối thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn tác động trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Bên cạnh việc ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất, hạn chế các thực phẩm gây hại, mẹ bầu cần thường xuyên theo dõi sức khỏe, thăm khám định kỳ với các bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo bé yêu được phát triển một cách toàn diện, khỏe mạnh hơn.