Phù chân là hiện tượng thường gặp ở phụ nữ khi mang thai, xảy ra chủ yếu ở những tháng cuối của thai kỳ. Vì lý do này, nhiều mẹ bầu vẫn thường tin rằng, phù chân là dấu hiệu sắp sinh. Điều này khiến cho những mẹ bầu bị phù chân khi mới mang thai trở nên hoang mang, lo lắng. Vậy, dấu hiệu phù chân có phải sắp sinh không? Mời mẹ bầu tìm hiểu triệu chứng này kỹ hơn trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Phù chân ở mẹ bầu do đâu?
Phù là hiện tượng sưng nề các mô do thoát dịch từ lòng mạch vào các khoảng kẽ. Thông thường, dịch tích tụ chủ yếu là nước nhưng đôi khi cũng có sự tích tụ protein hoặc chất lỏng giàu protein nếu xảy ra nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn mạch bạch huyết.
Ở phụ nữ mang thai, phù chân thường xuất hiện do sự tăng lưu lượng chất lỏng xung quanh cơ thể. Mẹ bầu có thể gặp phải hiện tượng phù chân ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, do những yếu tố dưới đây:
Phù chân trong 3 tháng đầu:
Do nồng độ hormone progesterone tăng nhanh làm chậm tuần hoàn máu lưu thông, đặc biệt là tuần hoàn máu ở các tĩnh mạch xa tim như ở chân. Bên cạnh đó, hormone này cũng làm chậm tốc độ tiêu hóa, gây tăng áp lực lên hệ thống tĩnh mạch ở nửa dưới cơ thể. Những yếu tố này làm tăng ứ dịch ở chân, khiến mẹ bầu bị phù chân ở tam cá nguyệt đầu tiên.
Phù chân trong 3 tháng giữa:
Ngoài sự tiếp tục tăng lên của hormone progesterone, nửa dưới dưới cơ thể mẹ bầu còn chịu thêm áp lực do tăng cân và sự phát triển của em bé. Lúc này, lưu lượng máu và chất lỏng trong cơ thể mẹ tăng lên. Hệ thống mạch máu, bao gồm tĩnh mạch ở chân cũng bị giãn rộng do yếu tố nội tiết. Điều này dẫn đến tình trạng tăng thoát dịch lòng mạch, khiến mẹ bầu bị phù chân ở tháng thứ 5 của thai kỳ.
Phù chân trong 3 tháng cuối:
Ở giai đoạn này, thể tích máu và chất lỏng trong cơ thể mẹ tiếp tục tăng lên, có thể đạt tăng thêm 50% so với bình thường. Tử cung và thai nhi cũng phát triển nhanh về kích thước và trọng lượng, gây chèn ép lên hệ thống tĩnh mạch ở chân. Điều này làm cản trở máu di chuyển từ chân về tim, khiến chất lỏng bị ứ đọng và dẫn đến phù chân.
Ngoài những yếu tố liên quan đến biến đổi sinh lý của cơ thể, hiện tượng phù chân khi mang thai còn xảy ra do một số yếu tố khác như: chế độ ăn uống nhiều muối, cơ thể bị thiếu nước, mẹ bầu thường xuyên ngồi hoặc đứng quá lâu trong một tư thế,…
Có thể mẹ quan tâm: Vì sao mẹ bầu hay bị chuột rút ban đêm?
2. Phù chân có phải sắp sinh không?
Có thể thấy, mặc dù phù chân thường xuất hiện vào những tháng cuối thai kỳ song triệu chứng này không được tính là dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh. Đây cũng không phải là dấu hiệu dọa sảy hay sinh non nên mẹ bầu không cần lo lắng nếu hiện tượng này xuất hiện vào những tháng đầu thai kỳ.
Để biết sắp sinh hay chưa, mẹ bầu có thể căn cứ vào ngày dự sinh khi siêu âm ở tuần thứ 12 của thai kỳ. Ngoài ra, một số dấu hiệu chuyển dạ khác cho thấy mẹ có thể sắp “vượt cạn” như:
Sa bụng dưới (tụt bụng): Bụng bầu thấp hơn bình thường do em bé di chuyển xuống dưới vùng xương chậu để chuẩn bị ra ngoài. Hiện tượng này có thể xảy ra trước một vài tuần hoặc vài ngày trước khi sinh.
Đau thắt lưng: Em bé di chuyển xuống dưới làm tăng áp lực lên vùng thắt lưng và hai bên háng khiến mẹ bị đau lưng nhiều hơn kèm theo cảm giác nặng nề, di chuyển khó khăn.
Gò tử cung: Mẹ bầu thấy tử cung cứng lại, nổi gò từng cơn trên bụng với tần suất khoảng 5 – 10 phút/ lần, kèm theo đó là triệu chứng đau thúc xuống dưới âm đạo tương tự như đau bụng kinh, mức độ đau tăng dần.
Bong nút nhầy: Bình thường, cổ tử cung được đóng kín bởi nút nhầy. Khi có cơn co chuyển dạ, nút nhầy sẽ bung ra để chuẩn bị cho em bé chào đời. Nút nhầy thường trong suốt và đặc dính hơn khí hư bình thường
Vỡ ối: Biểu hiện khi có một lượng nước lớn chảy thành dòng từ âm đạo xuống. Nước ối thường không có màu, không có mùi và cũng không nhầy dính. Đây là dấu hiệu cho thấy, mẹ bầu sẽ vượt cạn trong 24h..
Xóa cổ tử cung: Hiện tượng này sẽ diễn ra liên tục trong khoảng 7h trước sinh, cổ tử cung sẽ giãn nở hết mức đạt đến 10cm thì em bé sẽ được đón chào đời.
Khi có những dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh, mẹ bầu cần chuẩn bị đồ và đến khám tại các cơ sở y tế để được chăm sóc và hỗ trợ sinh bé thành công.
Đọc thêm: Hay bị sưng phù chân là dấu hiệu bệnh gì?
3. Phù chân khi sắp sinh có nguy hiểm không?
Trong hầu hết trường hợp, phù chân ở mẹ bầu là hiện tượng sinh lý và sẽ tự biến mất sau khi sinh con. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu bất thường cảnh báo mẹ đang có vấn đề về sức khỏe, điển hình như: tiền sản giật hay huyết khối tĩnh mạch sâu.Trong đó:
Tiền sản giật xảy ra khi mẹ bầu bị tăng huyết áp kèm theo protein niệu ở khoảng tuần 20 của thai kỳ. Tình trạng này có thể khiến mẹ gặp phải những cơn co giật toàn thân không rõ nguyên nhân, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của cả bà mẹ và thai nhi. Mẹ bầu có thể nhận biết tình trạng này thông qua các dấu hiệu như:
- Phù nề chân tay kèm theo sưng bọng mắt hoặc sưng mặt không rõ nguyên nhân.
- Thường xuyên cảm thấy chóng mặt, mờ mắt.
- Xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.
- Bị đau bụng, đặc biệt là ở phần trên phía bên phải của bụng.
- Bị khó thở, mệt mỏi, buồn nôn.
Tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu xảy ra khi tĩnh mạch chân bị suy giãn quá mức khiến máu bị ứ đọng và hình thành các huyết khối. Mẹ bầu có thể được nhận diện thông qua các triệu chứng như chân sưng, phù nề kèm theo đau nhức nhối và nóng đỏ. Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể dẫn đến biến chứng thuyên tắc phổi, gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai nhi.
Ngay khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường đã được liệt kê, mẹ bầu cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được có tâm lý chủ quan hoặc tự ý điều trị tại nhà theo kinh nghiệm của người khác. Điều này có thể khiến mẹ phải đối diện với những biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và em bé.
Xem chi tiết: Ảnh hưởng nguy hiểm của phù chân, các dấu hiệu cần khám sớm
4. Lưu ý cho mẹ bầu khi bị phù chân
Phù chân khi mang thai có thể khiến mẹ bầu bị đau đớn hoặc không. Tuy nhiên, hầu hết các mẹ đều cảm thấy khó chịu hoặc phiền toái khi gặp phải tình trạng này. Để giảm bớt ảnh hưởng của tình trạng này, mẹ bầu cần lưu ý một số điều dưới đây:
Vận động phù hợp: Mẹ bầu nên dành khoảng 30 phút mỗi ngày để tập các bài tập nhẹ nhàng, điển hình nhất là đi bộ. Mẹ có thể chia nhỏ số lần đi bộ, tránh các bài tập nặng hoặc tập trong thời gian dài gây tăng áp lực cho chân.
Giảm lượng muối ăn: Tránh ăn quá 5g muối/ ngày. Mẹ bầu nên ưu tiên các món ăn như luộc, hấp, hạn chế ăn nhiều muối vì làm tăng giữ nước khiến triệu chứng phù chân nặng nề hơn.
Tăng thực phẩm giàu kali: Giúp cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể. Mẹ có thể bổ sung kali qua các loại thực phẩm như: khoai tây, chuôi, rau bina, chanh dây, cà rốt, củ cải, cá hồi,…
Uống đủ nước: Nhiều mẹ nghĩ rằng phù chân do uống nhiều nước nhưng không phải vậy. Nếu thiếu nước, cơ thể sẽ tăng tái hấp thu nước khiến chân bị phù nhiều hơn. Vì vậy, hãy đảm bảo uống đủ khoảng 2.5l nước/ ngày.
Massage chân: Thao tác massage chân giúp thúc đẩy máu lưu thông, giảm ứ dịch ở chân, giảm triệu chứng phù. Vì vậy, mẹ bầu có thể tự massage hoặc nhờ người thân massage khoảng 15 phút mỗi tối trước khi đi ngủ.
Nâng cao chân khi ngủ: Nâng cao chân hơn khoảng 20 – 30cm so với tim giúp máu tuần hoàn về tim dễ dàng hơn, giảm ứ đọng máu trong lòng mạch, qua đó cải thiện triệu chứng phù chân.
Nằm nghiêng trái: Giúp giảm sự chèn ép lên hệ thống tĩnh mạch chủ ở phía bên phải bụng, nhờ vậy tuần hoàn máu từ chân về tim tốt hơn, giảm hiện tượng phù nề ở chân.
Chọn giày thoải mái: Mẹ bầu nên lựa chọn giày thấp, đế bằng, mềm và có kích thước phù hợp với chân để tránh gây chèn ép lên chân, khiến chân bị sưng đau.
Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu: Điều này có thể làm giảm lưu thông máu, khiến chân sưng phù nhiều hơn. Mẹ nên chủ động di chuyển khoảng 3 – 5 phút sau mỗi 1 tiếng đứng hoặc ngồi làm việc.
Trên đây là nội dung xoay quanh vấn đề: Phù chân có phải sắp sinh không? Hy vọng bài viết sẽ giúp mẹ bầu có góc nhìn tổng quan và chính xác hơn về triệu chứng này. Nếu cần thêm thông tin hoặc cần giải đáp thắc mắc, mẹ bầu có thể đặt câu hỏi dưới bài viết hoặc liên hệ đến hotline 1900 545 518 để được chuyên gia giải đáp. Chúc mẹ có một thai kỳ trọn vẹn như ý!