Đau bắp chân là triệu chứng phổ biến trong thời kỳ mang thai. Thế nhưng, không phải mẹ bầu nào cũng biết nguyên nhân khiến mình gặp phải triệu chứng này. Hệ quả là ngoài những cơn đau lan tỏa khó chịu, mẹ bầu phải đối diện với cảm giác lo lắng, hoang mang. Nếu mẹ cũng là thuộc một trong số những trường hợp này, vậy tuyệt đối đừng bỏ qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Nguyên nhân khiến bà bầu bị đau bắp chân
Đau bắp chân là triệu chứng thường gặp khi mẹ bầu bước sang tam cá nguyệt thứ ba và trở nên rõ ràng hơn về những tháng cuối của thai kỳ. Do giai đoạn này, thai nhi có sự tăng trưởng mạnh về kích thước và khối lượng làm tăng áp lực lên chân của mẹ bầu.
Tình trạng đau bắp chân được mô tả bằng cảm giác đau lan tỏa từ hông xuống cả mặt sau và mặt trước của chân. Đôi khi, mẹ bầu có thể kéo theo hiện tượng sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân hay cẳng chân. Các triệu chứng này khiến mẹ bầu gặp khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt cũng như công việc hàng ngày. Dưới đây là 7 nguyên nhân thường gặp gây nên chứng đau bắp chân trong thai kỳ:
1.1 Do tăng cân
Trong thai kỳ, trung bình phụ nữ mang thai sẽ tăng khoảng 10 – 15kg. Phần trọng lượng này tạo ra áp lực lớn chèn ép lên hệ thống thần kinh, mạch máu và cơ – xương – khớp ở vùng chân. Hệ quả là các dây chằng bị kéo căng ra, vòm chân hạ thấp khiến gan bàn chân bị căng cứng, các khớp xương chịu áp lực trở nên thiếu linh hoạt và dễ bị đau nhức.
Bên cạnh đó, hệ thống mạch máu bị chèn ép có thể gây ứ đọng máu trong lòng mạch, làm tăng áp lực lên thành mạch và khiến mẹ bầu gặp phải các triệu chứng như: sưng phù chân, căng tức, tê ngứa chân.
Đọc thêm: Sưng phù chân có phải dấu hiệu của bệnh lý?
1.2 Giảm tuần hoàn máu
Thai nhi và tử cung phát triển nhanh chóng trong 3 tháng cuối thai kỳ gây chèn ép vào hệ thống động mạch và tĩnh mạch đến chân. Điều này làm tuần hoàn máu qua chân bị chậm lại, máu ứ đọng tại chân nhiều hơn dẫn đến tăng áp lực lên thành mạch, tăng thoát dịch ngoài lòng mạch.
Hệ quả là mẹ bầu bị sưng phù nề và đau nhức chân. Triệu chứng đau nhức, sưng phù do giảm tuần hoàn máu tập trung chủ yếu ở vị trí mắt cá chân và bàn chân.
1.3 Do thay đổi nội tiết tố
Nồng độ hormone tăng lên trong thời gian mang thai nhằm kích thích tăng lưu lượng máu trong cơ thể và giãn mạch máu giúp thai nhi được nuôi dưỡng tốt hơn. Tuy nhiên, ở những vị trí xa tim như tĩnh mạch chân có thể gặp khó khăn trong việc đưa máu trở về tim, khiến máu bị ứ đọng dẫn đến triệu chứng sưng, phù nề và đau nhức ở chân.
Mặt khác, trong 3 tháng cuối thai kỳ, cơ thể mẹ tiết ra nội tiết tố Relaxin có tác dụng làm giãn cơ và dây chằng vùng chậu nhằm hỗ trợ cho hoạt động chuyển dạ. Quá trình này khiến mẹ bầu gặp phải cảm giác đau, nhức mỏi ở vùng hông lan xuống chân.
1.4 Do chuột rút
Chuột rút xảy ra khi các bó cơ ở vùng chân bị co rút tự động, đột ngột và trong thời gian ngắn. Tình trạng này xảy ra khi mẹ bầu bị thiếu canxi, thiếu nước, thiếu kali hay dư phospho. Ngoài ra, các chèn ép cơ học lên hệ thống thần kinh – mạch máu dẫn đến thiếu máu cục bộ, rối loạn quá trình dẫn truyền tín hiệu thần kinh cũng là nguyên nhân gây chuột rút ở bà bầu.
Triệu chứng chuột rút thường xuất hiện vào ban đêm và phổ biến ở những mẹ bầu hoạt động hoạt động chân nhiều vào ban ngày. Tình trạng này gây ra những cơn đau buốt nhói đột ngột ở vùng bắp chân và gây co gấp bàn chân, ngón chân làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Xem thêm: Bà bầu uống sắt và canxi vào tháng thứ mấy là tốt nhất?
1.5 Do sai lệch tư thế
Tư thế sai có thể làm tăng chèn ép, giảm lưu lượng máu, giảm oxy và dưỡng chất đến chân khiến mẹ bầu gặp phải những cơn đau nhức chân thường xuyên hơn. Một số tư thế sai thường gặp như:
- Đứng hoặc ngồi yên tại chỗ trong thời gian dài.
- Mang vác vật nặng trong khi mang thai.
- Tập các bài vận động mạnh, tạo áp lực lớn và đột ngột lên chân.
- Nằm ngủ sai tư thế, nghiêng về một bên quá lâu hoặc chèn ép các đồ vật lên chân.
1.6 Do giãn tĩnh mạch chân
Giãn tĩnh mạch chân xảy ra khi hệ thống van và tĩnh mạch chân bị phình giãn, nhô lên khỏi bề mặt da thành những đường ngoằn ngoèo xanh, tím. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến ở phụ nữ mang thai do lượng máu trong tuần hoàn tăng lên, hormone kích thích mạch máu giãn nở và khối lượng cơ thể tăng lên nhanh chóng.
Khi bị giãn tĩnh mạch, mẹ bầu có thể gặp phải các triệu chứng gồm:
- Đau nhức lan tỏa dọc theo chân.
- Chân phù nề, sưng nhức, tập trung chủ yếu ở xung quanh mắt cá chân.
- Chân có cảm giác căng tức, tê ran, bỏng rát.
- Nặng mỏi, khó chịu ở chân.
Không chỉ gây triệu chứng khó chịu, giãn tĩnh mạch khi mang thai nếu không được kiểm soát đúng cách có thể tiến triển thành nhiều biến chứng nguy hiểm như: lở loét chân, huyết khối tĩnh mạch sâu, rối loạn nhịp tim nhanh trên thất,…
1.7 Do thiếu nước
Mẹ bầu có thể cần đến 2.5 – 3.0 lít nước mỗi ngày để đảm bảo cho tuần hoàn máu và các hoạt động trao đổi, chuyển hóa của cơ thể. Thiếu nước hoặc mất nước có thể khiến acid lactic tích tụ trong cơ bắp gây đau nhức các cơ bắp chân, bắp tay.
Ngoài cảm giác đau nhức cơ bắp, mẹ có thể nhận biết cơ thể thiếu nước qua các dấu hiệu như: da khô, mắt khô, khô miệng, rêu lưỡi trắng, da môi bong tróc, giảm số lần đi tiểu và nước tiểu có màu vàng đậm.
2. Cách cải thiện triệu chứng đau bắp chân ở bà bầu
Tùy vào nguyên nhân gây đau nhức bắp chân mà mẹ bầu cần áp dụng các biện pháp cải thiện khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý cụ thể:
2.1 Nâng cao chân
Nâng cao chân giúp giảm trọng lực chèn ép lên chân, từ đó cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường lưu lượng oxy và dưỡng chất đến nuôi dưỡng ở chân, giảm triệu chứng đau bắp chân. Mẹ bầu cần chú ý nâng cao chân trong các trường hợp:
- Khi ngồi: Để chân cao ngang hông, tránh buông tư thế buông thõng chân trong thời gian dài.
- Khi đứng: Thực hiện các động tác bước chân, đưa chân lên cao nhằm thay đổi áp suất thủy tĩnh trong chân, tránh đứng yên trong một tư thế quá lâu.
- Khi nằm: Nên nâng cao chân khoảng 20 – 30cm so với tim nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho máu di chuyển từ chân về tim.
Việc nâng cao chân giúp cải thiện triệu chứng đau bắp chân trong các trường hợp mẹ bầu bị sai lệch tư thế, giảm tuần hoàn máu, tăng cân quá nhanh hay bị suy giãn tĩnh mạch.
2.2 Điều chỉnh tư thế nằm
Mẹ bầu cần đảm bảo ngủ thời gian ngủ tối thiểu là 8 tiếng/ ngày. Vì vậy, việc nằm đúng tư thế là rất quan trọng nếu mẹ thường xuyên bị đau bắp chân. Những lưu ý cho mẹ khi nằm gồm:
- Nên nằm nghiêng về bên trái nhiều hơn.
- Dùng gối mỏng kê dưới bụng, giữa hai đầu gối và đỡ phía sau lưng.
- Kê cao chân so với tim khi nằm.
- Trở mình nhẹ nhàng mỗi lần thức giấc để tránh chèn ép quá mức về một bên.
Thay đổi tư thế giúp cải thiện triệu chứng đau bắp chân trong một số trường hợp như: mẹ bầu bị tăng cân quá nhanh, giảm tuần hoàn, sai tư thế khi nằm, đau bắp chân do chuột rút và suy giãn tĩnh mạch.
2.3 Chườm chân
Biện pháp chườm ấm thường được áp dụng nhằm làm giãn cơ khớp, kích thích tuần hoàn máu lưu thông từ đó cải thiện triệu chứng đau nhức bắp chân. Một số lưu ý khi chườm chân cho mẹ bầu như sau:
Sử dụng túi chườm hoặc các dụng cụ thay thế như chai nhựa, khăn ấm đều được.
- Điều chỉnh nhiệt độ nước trong khoảng 40 – 45 độ C.
- Di chuyển túi chườm liên tục trong quá trình thực hiện.
- Chỉ nên chườm trong khoảng 15 phút và nên chườm trước khi đi ngủ.
Biện pháp chườm ấm giúp giảm đau nhức bắp chân trong hầu hết các trường hợp. Mẹ bầu chỉ cần chú ý không chườm ấm khi bị suy giãn tĩnh mạch, rối loạn huyết áp hoặc có các bệnh lý mạch máu.
2.4 Kiểm soát cân nặng
Mẹ bầu cần không nên tăng quá 15kg, trừ những mẹ bị suy dinh dưỡng trước khi mang thai. Trong đó, mẹ nên tăng khoảng 1 – 2kg trong ba tháng đầu, tăng 4 – 5kg trong ba tháng giữa và tăng 5 – 6kg trong ba tháng cuối. Mẹ cần tránh để cân nặng tăng quá nhanh trong thời gian ngắn khiến cơ thể không kịp thích nghi, gây đau nhức xương khớp và cơ bắp.
Việc kiểm soát tốt cân nặng trong thai kỳ giúp giảm nguy cơ đau bắp chân do: tăng cân nhanh, giảm tuần hoàn máu và suy giãn tĩnh mạch.
2.5 Tập các bài tập đơn giản
Các bài tập đơn giản tại chỗ giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, tăng độ linh hoạt của các khớp và tăng tuần hoàn máu giúp cải thiện hiệu quả triệu chứng đau nhức bắp chân.
Dưới đây là một số bài tập đơn giản để mẹ bầu tham khảo:
Tập mắt cá chân: Mẹ bầu nằm trên giường, kê chân hơi cao lên một chút. Từ từ kéo các ngón chân về phía người để bàn chân uốn cong, sau đó uốn ngón chân theo hướng ngược lại. Thực hiện liên tục 30 lần ở mỗi bên chân.
Tập căng bắp chân: Mẹ bầu đứng quay mặt vào tường, hai lòng bàn tay úp lên tường để giảm trọng lượng lên chân. Từ từ đưa một chân chạm tường, mũi chân hướng lên trần nhà. Sau đó, dựa người vào tường, giữ thẳng chân đến khi cảm thấy căng ở cẳng thân. Duy trì tư thế trong khoảng 20 – 30 giây rồi tập tương tự với chân còn lại.
Tập cơ đùi sau: Đặt con lăn xốp trên mặt đất, mẹ bầu ngồi trên con lăn xốp, hai tay chống ra sau. Từ từ bắt chéo chân qua đầu gối bên kia theo tư thế số 4. Sau đó, di chuyển mông qua lại trên con lăn đến khi tìm thấy điểm đau. Duy trì hoạt động trong khoảng 30 – 60 giây thì đầy con lăn xuống cẳng chân để tìm điểm đau tiếp theo. Thực hiện tương tự với bên chân còn lại.
Nếu không gặp vấn đề bất thường về sức khỏe, mẹ bầu có thể áp dụng các bài tập này để giảm đau do tất cả các nguyên nhân đã được liệt kê phía trên.
Xác định nguyên nhân bà bầu bị đau bắp chân là điều cần thiết, giúp định hướng được phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời. Vì vậy, khi gặp phải tình trạng này, mẹ bầu nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, hướng dẫn điều trị. Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh, bình an!