Sắt là một vi chất dinh dưỡng cần thiết đối với cơ thể. Sắt tham gia thành phần cấu tạo nên huyết cầu tố (Hb) nên cần thiết cho việc vận chuyển oxy và cacbonic trong máu. Sắt còn là thành phần của một số enzym như: cytochrom trong cơ chế sinh nhiệt và các loại enzym của hệ thống miễn dịch. Như vậy sắt cần thiết với tất cả mọi người chúng ta đặc biệt là với phụ nữ lại càng quan trọng.
Mục lục
Vai trò của chất sắt đối với phụ nữ
Thiếu sắt có thể khiến bạn mệt mỏi, xanh xao, khó thở và giảm khả năng tập trung. Thật không may, thiếu máu thiếu sắt thường hay gặp ở phụ nữ, theo khảo sát Dinh dưỡng và Chế độ ăn uống Quốc gia mới nhất cho thấy gần 25% phụ nữ có nguy cơ bị thiếu sắt.
Khi thiếu máu cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và vẻ đẹp của người phụ nữ, một người phụ nữ không thể coi là đẹp được khi có nước da xanh xao, ốm yếu. Ngoài ra, thiếu sắt còn ảnh hưởng đến khả năng lao động, cứ thiếu 10% Hb đã giảm đi 10-20% khả năng làm việc, làm giảm khả năng nhận thức và ứng xử, làm giảm khả năng miễn dịch tăng nguy cơ mắc các bệnh khác.
Đặc biệt, sắt đóng vai trò quan trọng nhất ở phụ nữ tuổi vị thành niên, trong độ tuổi sinh đẻ và sau khi sinh. Cụ thể như sau:
Phụ nữ ở tuổi vị thành niên
Lứa tuổi vị thành niên do đặc điểm sinh lý của phụ nữ phải mất sắt qua chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng và nhu cầu ở giai đoạn này thường cao hơn. Kinh nguyệt là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất sắt trên toàn thế giới. Khi máu bị mất hàng tháng trong kỳ kinh nguyệt, sắt trong các tế bào hồng cầu đó cũng bị mất. Một người được coi là bị chảy máu kinh nguyệt nhiều khi kinh nguyệt của họ thường trên 80 ml. Do đó, việc bổ sung sắt đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ và những người trải qua thời kỳ nặng nề.
Đổi lại, mất máu quá nhiều và giảm lượng sắt trong kỳ kinh nguyệt có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu và dẫn đến mất hoặc trễ kinh và nó có thể trở thành một vòng luẩn quẩn.
Phụ nữ mang thai
Sắt trở nên quan trọng trong thai kỳ đối với người mẹ và cũng quan trọng không kém để hỗ trợ thai nhi và nhau thai đang phát triển. Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể tăng gần 50% và do đó nhu cầu sắt trong chế độ ăn uống có thể tăng lên, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Thiếu sắt có thể phổ biến trong thời kỳ mang thai, đặc biệt ở những người bị ốm hoặc đang mang đa thai.
Nếu phụ nữ bị thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu làm ảnh hưởng đến em bé từ ngay thời kỳ bào thai, có thể gây sảy thai, sinh non, suy dinh dưỡng bào thai, hoặc thiếu máu từ trong bụng mẹ. Bà mẹ có thể bị băng huyết khi sinh con – đây là một tai biến sản khoa rất nguy hiểm. Như vậy thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ ảnh hưởng ngay cả đến tính mạng của người phụ nữ khi sinh nở và còn ảnh hưởng cả đến thế hệ mai sau.
➤ Xem thêm: Tại sao bà bầu cần bổ sung sắt?
Phụ nữ cho con bú
Sắt cũng rất quan trọng trong thời kỳ cho con bú vì người phụ nữ vẫn cần đáp ứng nhu cầu sắt như bình thường và để cung cấp đủ cho việc sản xuất sữa mẹ. Mặc dù sữa mẹ có chứa sắt một cách tự nhiên nhưng điều tốt là trẻ được sinh ra đã có dự trữ sắt và lượng này thường đủ cho trẻ đến 6 tháng tuổi khi trẻ bắt đầu tập ăn dặm.
☛ Tham khảo thêm tại: Bổ sung sắt sau sinh thế nào cho an toàn, hiệu quả?
Vậy những biểu hiện của thiếu sắt là gì?
Vì sắt là thành phần quan trọng tham gia thành phần của huyết cầu tố, nên biểu hiện của thiếu sắt là thiếu máu. Các biểu hiện thường gặp: da xanh, niêm mạc nhợt (biểu hiện rõ nhất là niêm mạc mắt và môi), móng tay chân trắng nhợt, có khía dễ gãy, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau đầu, người mệt mỏi, hay ngủ gật (thiếu máu nên vận chuyển oxy lên não kém dẫn đến thiểu năng tuần hoàn não)…
Sắt tham gia hệ thống miễn dịch nên người thiếu sắt thường bị suy giảm hệ thống miễn dịch hay bị ốm đau: bị nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiêu hóa, ngoài ra còn có biểu hiện tóc khô cứng, dễ rụng, dễ gãy. Tuy nhiên khi bị thiếu sắt nặng mới có các biểu hiện trên, nhiều trường hợp đã có thiếu sắt nhưng chưa có biểu hiện thiếu máu. Do vậy cách phát hiện là làm xét nghiệm định lượng sắt trong huyết thanh hoặc tốt nhất là định lượng feritin huyết thanh để biết sớm tình trạng thiếu sắt.
Thiếu sắt xảy ra khi lượng sắt hấp thu từ bữa ăn không đáp ứng nhu cầu. Có nhiều nguyên nhân gây thiếu sắt như: khẩu phần ăn không đủ sắt, hấp thu sắt kém hoặc nhu cầu sắt tăng thường gặp trong thai nghén hoặc mất máu mạn tính, phụ nữ bị rong kinh, kinh nguyệt kéo dài, người bị viêm loét dạ dày hành tá tràng, viêm đại tràng mạn tính. Nhiều trường hợp trong chế độ ăn có chất ức chế hấp thu sắt như uống nhiều nước chè vì trong chè có nhiều tanin gây ức chế hấp thu sắt. Những trường hợp bị nhiễm giun sán cũng rất dễ bị thiếu sắt nhất là bị giun móc làm chảy máu mạn tính là nguyên nhân gây thiếu máu do thiếu sắt hay gặp. Như vậy đối tượng cần bổ sung sắt là phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ và trẻ em, đặc biệt là phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Khi có thai phụ nữ nên uống viên sắt từ khi biết mình có thai cho đến sau khi sinh 1 tháng, nếu ăn uống kém thì có thể tiếp tục uống trong thời gian nuôi con bú. Những người mắc các bệnh mạn tính: viêm loét dạ dày hành tá tràng, viêm đại tràng mạn, những người ăn uống kém và những người có các biểu hiện thiếu máu do thiếu sắt thì cũng cần phải bổ sung viên sắt.
Dự phòng thiếu sắt ở phụ nữ
Cách tốt nhất để dự phòng thiếu sắt cũng như thiếu các vi chất dinh dưỡng khác là dùng chế độ ăn. Nên chọn các thực phẩm giàu sắt trong bữa ăn hàng ngày. Sắt có 2 nguồn gốc: nguồn gốc động vật và thực vật, sắt có nguồn gốc động vật thì tốt hơn, vì khả năng hấp thu cao hơn.
Thức ăn động vật chứa nhiều sắt bao gồm: gan các loại động vật: lợn, gà, vịt, bò, trâu…và các phủ tạng khác như: tim, bầu duc, đặc biệt tiết hàm lượng sắt rất cao, ngoài các loại thịt gà, bò, lợn cũng chứa nhiều sắt, lòng đỏ trứng và các loại hải thủy sản cũng chứa nhiều sắt. Sắt trong các loại thực phẩm này có giá trị sinh học cao và khả năng hấp thu tốt hơn.
Trong các thức ăn nguồn gốc thực vật thì sắt có nhiều trong đậu đỗ, các loại rau màu xanh thẫm: rau muống, mồng tơi, rau đay.. cũng chứa nhiều sắt, ngoài ra hiện nay có nhiêu các loại thực phẩm được tăng cường sắt như : nước mắm có bổ sung sắt, bánh qui, bột dinh dưỡng cho trẻ em.
Muốn sắt hấp thu được tốt cần ăn đầy đủ và thường xuyên các thực phẩm có chứa nhiều sắt, nhất là các thực phẩm có nguồn gốc động vật, ăn nhiều quả chín để tăng cường lượng vitamin C trong khẩu phần ăn, một yếu tố quan trọng góp phần tăng cường hấp thu sắt, không nên uống nước chè sau bữa ăn vì trong chè có tanin và polyphenol ức chế hấp thu sắt.
Tìm hiểu chi tiết: Làm sao để giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt?
Ths Lê Thị Hải
(Viện dinh dưỡng Quốc gia)