Bầu bí nặng nề kéo theo những cơn chuột rút ban đêm khiến nhiều mẹ bầu mất ngủ và rơi vào trạng thái mệt mỏi kéo dài. Cá biệt, một vài trường hợp chuột rút với tần suất dày đặc khiến mẹ bầu lo lắng không yên. Vậy, chuột rút ban đêm ở mẹ bầu có đáng lo không? Bài viết hôm nay sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Mục lục
1. Bà bầu hay chuột rút ban đêm – nguyên nhân tại sao?
Chuột rút là hiện tượng một hoặc một nhóm cơ bị co rút đột ngột một cách tự động trong thời gian ngắn. Tình trạng này có thể xảy ra khi các cơ bắp ở chân bị bó chặt quá mức, mất nước, bất thường điện giải, các rối loạn thần kinh, rối loạn chuyển hóa hoặc do tác dụng phụ của một vài loại thuốc gây ra.
Có gần 50% bà bầu gặp phải chứng chuột rút ban đêm. Tình trạng này thường xuất hiện ở tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, trong đó chủ yếu tập trung vào 3 tháng cuối thai kỳ. Chuột rút ban đêm xảy ra chủ yếu ở các vị trí bắp chân, khiến mẹ bầu bị đau buốt đột ngột, gây gấp bàn chân và các ngón chân.
Một số nguyên nhân trực tiếp gây ra chứng chuột rút ban đêm ở mẹ bầu bao gồm:
1.1 Thay đổi lưu thông máu
Khi thai càng lớn, tốc độ tuần hoàn máu bị chậm lại. Nguyên nhân là do sự phát triển của thai nhi khiến áp lực trong ổ bụng gia tăng kết hợp với nồng độ progesterone tăng dần về tháng cuối thai kỳ gây chèn ép và giảm trương lực cơ tĩnh mạch.
Quá trình này làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu nuôi qua hệ thống tĩnh mạch xa như ở chân, làm tăng tích tụ acid lactic và pyruvic. Hệ quả là các cơ bị co rút gây ra gây đau buốt đột ngột tại các cơ chân ở mẹ bầu. Ngoài ra, giảm lưu thông máu cũng là nguyên nhân khiến chân mẹ bầu dễ bị sưng, phù nề ở những tháng cuối thai kỳ.
1.2 Mất nước
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần bổ sung khoảng 2.5 – 3.0 lít nước mỗi ngày để đảm bảo tuần hoàn máu nuôi dưỡng cơ thể mẹ và thai nhi. Uống không đủ nước có thể làm giảm lưu lượng máu trong cơ thể, gây rối loạn điện giải, ảnh hưởng đến hoạt động dẫn truyền thần kinh, khiến các cơ dễ bị co rút làm tăng nguy cơ bị chuột rút.
Bạn có thể dễ dàng nhận biết cơ thể bị thiếu nước thông qua các dấu hiệu như: da khô, môi khô, nước tiểu ít và có màu vàng đậm. Nếu gặp phải những triệu chứng này, bạn cần chủ động tăng lượng nước nạp vào cơ thể mỗi ngày.
1.3 Tăng cân quá mức
Cân nặng tăng quá nhanh và quá mức khiến mẹ bầu có nguy cơ cao gặp phải chứng chuột rút vào ban đêm. Nguyên nhân là do áp lực từ em bé và trọng lượng của cơ thể gây chèn ép lên hệ thống thần kinh – mạch máu, đặc biệt ở vùng chân. Điều này có thể gây ra các rối loạn trong dẫn truyền thần kinh, khiến chân chịu áp lực quá mức dẫn đến tình trạng co cơ, chuột rút.
Vì lý do này, các bà bầu luôn được khuyên cần kiểm soát cân nặng trong thời gian mang thai, tránh tăng cân quá nhiều, cụ thể:
- Người có BMI bình thường trước khi mang thai nên tăng khoảng 11 – 16kg/ thai kỳ.
- Người có BMI thấp hơn bình thường trước khi mang thai nên tăng khoảng 12 – 18kg/ thai kỳ.
- Người có BMI cao hơn bình thường trước khi mang thai nên tăng khoảng 7 – 12kg/ thai kỳ.
1.4 Ít vận động
Những mẹ bầu ít vận động khi mang thai có nguy cơ cao bị chuột rút ban đêm hơn bình thường. Nguyên nhân là do các cơ bắp ít hoạt động dễ bị kích thích co rút khi mẹ thay đổi tư thế đột ngột. Ngoài ra, các đáp ứng của tín hiệu thần kinh cũng kém nhạy bén hơn và tuần hoàn máu cũng có xu hướng “trì trệ hơn” khi mẹ ít vận động.
Vì lý do này, mẹ bầu được khuyên là cần uống nhiều nước, thường xuyên đi lại và tập thể dục nhẹ nhàng trước khi đi ngủ để hạn chế bị chuột rút ban đêm.
1.5 Thiếu Canxi
Để cơ thể vận động, các tế bào cơ và thần kinh giải phóng ra ion canxi có nhiệm vụ liên kết với protein hoạt hóa để khởi động quá trình co cơ. Khi cơ thể không đủ canxi, các tế bào cơ và thần kinh phải hoạt động nhiều hơn gây ra co thắt cơ và làm tăng nguy cơ bị chuột rút.
Không dừng ở đó, canxi còn tham gia vào sự phát triển của tế bào não, tế bào thần kinh, cấu trúc xương răng của cơ thể ngay từ giai đoạn thai nhi. Vì lý do này, nhu cầu canxi của mẹ bầu cao hơn bình thường và thường không thể được đáp ứng đủ qua chế độ ăn hàng ngày mà cần kết hợp sử dụng những sản phẩm bổ sung chuyên biệt.
Một số dấu hiệu cho thấy mẹ bầu bị thiếu hụt canxi gồm:
- Thường xuyên cảm giác đau, nhức nhối ở các xương lớn như: cột sống, cánh tay, cẳng chân,…
- Hay bị chuột rút, tê bì, dị cảm ở chân tay.
- Dễ bị kích thích, căng thẳng, mất ngủ kéo dài.
1.6 Giãn tĩnh mạch chân
Giãn tĩnh mạch là hiện tượng tĩnh mạch bị phình giãn và giảm khả năng đưa máu về tim. Tình trạng này khá phổ biến ở phụ nữ mang thai do:
- Sự biến đổi của hormone trong thai kỳ: Làm mạch máu giãn rộng nhằm tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể.
- Sự chèn ép của thai nhi: Cản trở dòng chảy của máu từ tĩnh mạch chân trở về tim.
- Tăng lượng máu khi mang thai: Lượng máu ở mẹ bầu thể tăng thêm 50% so với bình thường, làm tăng áp lực lên tĩnh mạch.
- Tăng cân quá mức: Tăng trọng lượng chèn ép lên hệ thống cơ – xương – khớp, thần kinh và mạch máu ở chân.
Khi bị giãn tĩnh mạch chân, mẹ bầu có thể phải đối diện với hàng loạt triệu chứng khó chịu ở chân như: đau nhức bắp chân, sưng phù, nặng mỏi, chuột rút, tê chân, tĩnh mạch nổi lên bề mặt da,…
2. Bà bầu bị chuột rút ban đêm có đáng lo không?
Triệu chứng chuột rút ban đêm ở bà bầu ít khi gây nguy hiểm. Đa số trường hợp sẽ được cải thiện sau khi mẹ bầu áp dụng các biện pháp hỗ trợ và sẽ biến mất sau khi mẹ bầu sinh con. Vì vậy, mẹ không cần lo lắng quá mức khi gặp phải tình trạng này.
Tuy nhiên, những trường hợp có thể gây biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng mẹ bầu cần lưu ý, gồm:
- Chuột rút do thiếu canxi: Thiếu canxi có thể ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện và phát triển não bộ, hệ thần kinh, cơ bắp, hệ xương khớp của thai nhi đồng thời tăng nguy cơ loãng xương ở mẹ sau sinh.
- Chuột rút do suy giãn tĩnh mạch: Có thể tiến triển nặng gây biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu, loạn dưỡng, rối loạn nhịp tim trên thất,… khiến mẹ bầu gặp nguy hiểm.
Để tránh gặp phải trường hợp này, mẹ bầu cần thực hiện thăm khám định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ và tiến hành điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, một số dấu hiệu bất thường cho thấy mẹ bầu cần khám ngay như:
- Chuột rút ban đêm với tần suất dày đặc, khoảng 6 lần/ giờ.
- Chuột rút liên tục dù đã áp dụng các biện pháp khắc phục.
- Chuột rút kèm theo triệu chứng đau bụng, sốt, chóng mặt, xuất huyết âm đạo.
- Chuột rút ban đêm nhiều ở những người có tiền sử sinh non, thai ngoài tử cung hay tử cung ngắn.
Cảnh báo: Bị chuột chân thường xuyên có thể là dấu hiệu của các bệnh này
3. Làm thế nào để khắc phục triệu chứng chuột rút ở bà bầu?
Một trong những ảnh hưởng dễ thấy nhất của tình trạng chuột rút ban đêm là khiến mẹ bầu bị đau buốt đột ngột. Tình trạng này xảy ra thường xuyên có thể làm mẹ bầu bị mất ngủ, suy nhược. Lâu dần gây tâm lý căng thẳng, mệt mỏi ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Để khắc phục tình trạng chuột rút ban đêm khi mang thai, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây:
3.1 Kéo giãn cơ trước khi ngủ
Thực hiện kéo giãn cơ trước khi ngủ giúp các cơ bắp được thả lỏng, tăng cường tuần hoàn máu lưu thông từ đó hạn chế được tình trạng co thắt và co cứng cơ, giảm nguy cơ bị chuột rút. Cách thực hiện kéo giãn cơ cho mẹ bầu như sau:
- Đứng quay mặt vào tường, cách tường khoảng 1 cánh tay.
- Đặt hai tay lên tường, lòng bàn tay úp vào tường.
- Bước chân phải về phía sau, đảm bảo bàn chân luôn đặt trên sàn trong suốt thời gian tập.
- Từ từ gập chùng đầu gối trái, trong khi đó chân phải luôn giữ thẳng sao cho có cảm giác căng ở các cơ.
- Duy trì tư thế này trong 30 giây rồi đổi chân. Thực hiện tương tự với chân còn lại.
Lưu ý: Những mẹ bầu có vấn đề về sức khỏe cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện.
3.2 Chườm ấm
Chườm ấm là biện pháp hiệu quả để làm giãn cơ, giảm căng thẳng hệ thần kinh và giãn mạch, tăng cường lưu thông máu đến các cơ. Điều này giúp giảm tình trạng co thắt cơ và giảm nhanh triệu chứng chuột rút. Cách chườm ấm rất đơn giản, bạn chỉ cần:
- Đổ nước ấm khoảng 40 – 45oC vào túi chườm chuyên dụng.
- Di chuyển túi chườm xung quanh vị trí bị chuột rút trong khoảng 5 – 10 phút.
- Có thể thay thế túi chườm bằng chai nhựa hoặc khăn ấm đều cho hiệu quả tương tự.
Lưu ý: Biện pháp chườm ấm không phù hợp với những mẹ bầu bị chuột rút ban đêm do suy giãn tĩnh mạch.
3.3 Massage
Các thao tác massage giúp làm giãn cơ, tăng lưu thông máu, từ đó giảm nhanh hiện tượng co rút ở các cơ, giảm triệu chứng đau nhức do chuột rút gây nên. Cách thực hiện như sau:
- Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho đến khi ấm lên.
- Dùng hai tay massage, xoa bóp nhẹ nhàng ở vị trí bị chuột rút trong khoảng 3 – 5 phút.
Bạn có thể áp dụng biện pháp này ngay khi bị chuột rút để cải thiện triệu chứng. Ngoài ra, nếu có điều kiện mẹ bầu có thể mua các gói massage trị liệu trước sinh để tăng hiệu quả và hỗ trợ quá trình sinh thuận lợi hơn.
3.4 Thay đổi tư thế nằm
Tư thế nằm sai có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu lưu thông và tăng chèn ép lên các cơ bắp ở vùng chân, gây chuột rút. Vì vậy, bạn có thể thử điều chỉnh tư thế nằm để cải thiện tình trạng này. Một số lưu ý cho mẹ bầu bị chuột rút khi nằm gồm:
- Nên nằm nghiêng trái, gối thấp đầu.
- Sử dụng một gối mỏng để kê dưới bụng và một gối mỏng kê giữa hai đầu gối.
- Nâng cao chân hơn tim khoảng 20 – 30 cm để thúc đẩy tuần hoàn từ tĩnh mạch về tim.
Bên cạnh thay đổi tư thế nằm, bạn cũng nên chủ động di chuyển sau khi ngồi hay nằm một chỗ sau khoảng 1 tiếng. Mẹ bầu cũng cần tránh đứng quá lâu tại chỗ, tránh vận động quá mức làm tăng nguy cơ bị co rút cơ.
3.5 Bổ sung Canxi
Trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai và thứ 3, nhu cầu canxi của mẹ bầu lên tới 1200 – 1500 mg canxi/ngày. Chế độ ăn uống gần như không đáp ứng được nhu cầu này. Vì vậy, việc bổ sung canxi thông qua các sản phẩm chuyên biệt là điều cần thiết.
Tuy nhiên, mẹ bầu cần hiểu rằng thừa canxi cũng có thể gây tác dụng phụ không tốt cho mẹ và bé. Để tránh điều này, mẹ cần khám thai định kỳ, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để biết cơ thể có đang bị thiếu hụt canxi không và thiếu hụt bao nhiêu. Những trường hợp được yêu cầu bổ sung canxi, mẹ cần nghiêm túc tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều lượng và cách sử dụng để có được hiệu quả tốt nhất.
Xem thêm: Nguyên tắc bổ sung sắt và canxi trong 3 tháng cuối thai kỳ
Trên đây là bài về vấn đề mẹ bầu bị chuột rút ban đêm. Hy vọng thông tin trong bài viết có thể giúp mẹ hiểu rõ hơn về vấn đề này, giảm bớt căng thẳng và có định hướng điều trị phù hợp. Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh, hạnh phúc!